Nguyên tắc mà người lớn nào cũng phải nắm rõ để phòng tránh bắt cóc trẻ em

Cách phòng tránh bắt cóc trẻ em
  •   4,36
  • 3.552

Hãy nhớ, bắt cóc trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào và nạn nhân ở mọi lứa tuổi - từ trẻ mầm non, tiểu học, đến những em bé mới chào đời. Cẩn tắc vô ưu, các bậc phụ huynh cần nhớ một số điều sau đây, nhằm giảm thiểu rủi ro đến với con mình.

Đối với trẻ sơ sinh

Một cảnh trong camera an ninh từ một vụ bắt cóc trẻ em tại Mỹ.
Một cảnh trong camera an ninh từ một vụ bắt cóc trẻ em tại Mỹ.

Trẻ sơ sinh hoặc các bé dưới 2 tuổi chưa có ý thức đủ nên đối tượng có thể bảo vệ trẻ chỉ là người lớn. Trên thực tế, có rất nhiều vụ bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra ngay cả ở trong bệnh viện, và tất cả đều đến từ sự sơ hở của các bậc phụ huynh.

Đối với trẻ sơ sinh, tuyệt đối không quên những điều sau:

  • Không để trẻ ở trong phòng một mình
  • Cảnh giác với những người không quen biết nhưng tỏ ra quá thân thiết. Tuyệt đối KHÔNG nhờ người lạ trông hộ trẻ.

Kịch bản thường thấy ở các vụ bắt cóc trẻ em, đó là kẻ bắt cóc đóng giả người quen đến thăm sản phụ, thậm chí giả làm nhân viên y tế, lợi dụng sơ hở để bế trẻ đi.

  • Khi ở trong viện, cần phải làm quen với hộ sinh. Hãy tỏ ra cảnh giác với bất kỳ ai có ý định đem bé ra khỏi phòng.
  • Khi đưa trẻ ra khỏi phòng, không nên bế bằng tay không. Tốt nhất hãy để bé nằm trên xe nôi, buộc đai thật chắc chắn. Nếu không, ít nhất cũng sử dụng đai buộc em bé thật chắc vào thân mình.
  • Chỉ nên cho bé chơi ở những khuôn viên kín và những nơi có người trợ giúp (nhưng không quá đông).
  • Một kịch bản khác thường thấy là kẻ bắt cóc lợi dụng tình huống va chạm giao thông để cướp lấy đứa trẻ. Thế nên khi có việc cần tham gia giao thông thì nên sử dụng taxi, hoặc ít nhất phải đi cùng một người lớn nữa.

Không nên bế bé một cách bất cẩn bên ngoài phòng.
Không nên bế bé một cách bất cẩn bên ngoài phòng.

Đối với trẻ đã có ý thức

Ở độ tuổi này, việc bảo vệ không chỉ giới hạn ở người lớn, mà trẻ cần phải biết các kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình.

1. Dạy trẻ biết hét thật to khi cảm thấy không an toàn

Ở đây quan trọng nhất là dạy cho bé biết "thế nào là không an toàn". Đó là khi có người lạ tiếp cận, gạ gẫm, dụ dỗ đi theo...

2. Biết từ chối những món quà từ người lạ

Lại nói về chiêu dụ dỗ, những kẻ bắt cóc có thể sử dụng kẹo, bánh, đồ chơi... bắt mắt để thu hút trẻ em đi theo chúng. Thế nên, phụ huynh cần dạy con tuyệt đối không bao giờ nhận quà của người lạ khi không có bố mẹ kề bên.

3. Bình tĩnh xử lí khi bị lạc - dạy con về những "người lạ an toàn"

Hãy cho con biết cách xử lý khi đi lạc, đó là chạy ngay vào khu vực có bảo vệ như siêu thị, cửa hàng... hoặc đồn cảnh sát - đó chính là những "người lạ an toàn". Trước đó, hãy đảm bảo con đã nhớ rất rõ số điện thoại của bố mẹ và địa chỉ nhà.

Dạy bé không nên tiết lộ những thông tin này khi không cần thiết bởi bé có thể cũng gặp nguy hiểm nếu tiết lộ thông tin bừa bãi.

Nếu bé đi cùng bố mẹ đến nơi đông người bố mẹ có thể viết những thông tin liên hệ để vào túi quần áo của con để phòng khi bé bị lạc thì những người xung quanh cũng dễ dàng liên lạc với gia đình của bé.

Cũng nên dặn bé khi cho con đến những nơi đông người và bé cũng nên tìm sự trợ giúp khi bị lạc bố mẹ, không nên tin vào những người xung quanh quá nhiều tránh trường hợp kẻ gian lợi dụng.

Hãy đảm bảo con đã nhớ rất rõ số điện thoại của bố mẹ và địa chỉ nhà.
Hãy đảm bảo con đã nhớ rất rõ số điện thoại của bố mẹ và địa chỉ nhà.

4. Thực tế bằng những video tình huống bắt cóc

Hãy cùng trẻ theo dõi những phóng sự, clip mô phỏng tình huống thiếu an toàn. Những video ấy hoàn toàn dễ dàng tìm kiếm trên Youtube, và rồi bạn có thể "huấn luyện" trẻ những phương pháp xử lý khi gặp trường hợp tương tự.

Cha mẹ hãy cùng trẻ xem những video phóng sự, clip mô phỏng, mô tả các tình huống thiếu an toàn mà những bé khác gặp phải khi không ở cùng bố mẹ của mình. Sau đó, cha mẹ có thể khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của trẻ khi bé xem những video này để trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ cho mình trong những tình huống tương tự có thể xảy ra với trẻ nếu trẻ gặp phải.

5. Cảnh giác với những lời gạ gẫm, giúp đỡ

Trẻ em, mà thực chất là nhiều người lớn bây giờ, có lẽ vẫn nhớ đến lời dạy của cha mẹ năm xưa, đó là phải yêu thương, giúp đỡ mọi người.

Tuy nhiên, đó chưa chắc đã là ý tưởng hay, vì kẻ xấu có thể lợi dụng điều này mà đưa trẻ ra khỏi vòng an toàn. Nên thay vào đó, hãy dạy trẻ cách phân biệt tình huống cần giúp đỡ. Các tình huống thực sự khó khăn, người ta sẽ tìm đến một người lớn khác chứ không phải một đứa trẻ.

Hãy dạy con đối đáp với người lạ: "Cháu không quen cô/chú. Mẹ/bố cháu ở kia, để cháu hỏi ý mẹ/bố đã".

6. Dạy trẻ để mắt tới… cha mẹ

Trong một khu phố hay một siêu thị đông đúc, bạn không bao giờ rời mắt khỏi con vì sợ con bị lạc.Tương tự, bạn dạy trẻ cũng có ý thức như vậy: luôn luôn để mắt tới cha mẹ và khi cha mẹ khuất khỏi tầm nhìn của trẻ thì hãy gọi to lên.

7. Dạy trẻ tự phòng

Nếu bé nhà bạn không biết võ, thì bạn cần phải hướng dẫn con những cách “phản kháng đơn giản” khi có người lạ tiếp cận như: đá vào những chân, đầu gối và vùng nhạy cảm của kẻ lạ và cố sức hét thật to: “Cô/chú không phải mẹ/bố của tôi” để tạo sự chú ý của những người xung quanh và có cơ hội để bé chạy đi. Đá vào chỗ nhạy cảm là cách hiệu quả nhất để thoát khỏi người lạ.

Khi bị CƯỚP trẻ em

Đó là lúc người lớn cần phải hét to, dõng dạc từ: CƯỚP nhằm lôi kéo sự chú ý. Và trong trường hợp kẻ bắt cóc có vũ khí gây sát thương, lập tức quan sát và ghi nhớ mọi đặc điểm có thể: khuôn mặt, xe, biển số... để báo cho nhà chức trách.

Cẩn thận với mạng xã hội

Ở một góc độ khác, vấn đề bảo đảm an toàn bí mật thông tin cá nhân của trẻ em hiện người lớn rất lơ là. Điều đáng nói ở đây là thói quen: Khoe con cái lên mạng xã hội.

Theo luật thì có thể bố mẹ đang vi phạm pháp luật. Nhưng quan trọng hơn là vô tình việc khoe con lên mạng xã hội đẩy con vào NGUY HIỂM. Trước tiên, các thông tin NHẠY CẢM của con trẻ chúng ta cần xác định rõ, đặc biệt với trẻ em (dưới 14 tuổi) bao gồm:

  • 1. Họ và tên đầy đủ.
  • 2. Ngày tháng năm sinh, giờ sinh.
  • 3. Trường học nơi các bé học.
  • 4. Nơi các con hay lui tới vui chơi.
  • 5. Sở thích, tính cách của con.
  • 6. Thông tin cá nhân như hình ảnh, cân nặng, chiều cao.

Nếu gia đình của bạn có vệ sĩ 24/7, con cái học trường quốc tế an ninh nghiêm ngặt, một bước bạn sát cánh bên con thì an toàn.

Nếu phải gửi con đi học trường thường, nhờ ông bà trông cháu, công việc vẫn phải đi xa, thời gian bên con không 24/7, thì RỦI RO, NGUY HIỂM rất cao mà chúng ta có thể gây ra khi khoe con trên mạng xã hội.

Bởi chính chúng ta không bao giờ có thể lường trước được trên mạng xã hội ảo này có ai xấu, ai đang muốn hãm hại gia đình mình, ai ganh ghét bạn. Đôi khi nó chỉ là mâu thuẫn nhỏ trong các mối quan hệ xã hội, hoặc có khi bọn bắt cóc theo dõi tìm con mồi tiềm năng.

Người lớn đã vô tình gây nguy hiểm cho con khi chia sẻ thông tin lên mạng xã hội.
Người lớn đã vô tình gây nguy hiểm cho con khi chia sẻ thông tin lên mạng xã hội. (Ảnh minh họa).

Họ tên đầy đủ của con, đặc biệt là hình ảnh giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm

Đây là thông tin tưởng chừng như vô hại, nhưng nếu giả sử khi con bạn bị người lạ dẫn đi, người dân mà giữ lại, kẻ lạ mặt đưa ra được ảnh các giấy tờ của con, kèm hình ảnh load trên Facebook bạn đầy đủ, liệu ai còn nghi ngờ nữa không?

Lúc nguy cấp này, chỉ một vài phút quý giá thôi cũng giúp con bạn an toàn hơn nếu chẳng may xảy ra điều xấu.

Vì vậy, tuyệt đối không chia sẻ hình ảnh giấy tờ cá nhân của con lên mạng xã hội.

Ngày tháng năm sinh, giờ sinh của con trẻ

Đây cũng là thông tin cá nhân quan trọng chúng ta cần bảo vệ cho con trẻ.

Tình huống hay gặp là bố mẹ chia sẻ ảnh chụp VÒNG ĐEO CHÂN con sau sinh, hoặc một status đầy đủ ngày giờ sinh cân nặng trên facebook. Nếu muốn thông báo tới người thân, hãy cài đặt quyền riêng tư chế độ cho một nhóm thành viên.

Trường học, nơi các bé học kĩ năng

Về cơ bản đây là nơi thứ 2 mà con trẻ ở đó nhiều sau ở nhà. Việc chia sẻ thông tin tên trường, lớp, cô giáo chủ nhiệm của con... kèm các hình ảnh hoạt động của con một cách tràn lan trên mạng xã hội. Bạn đã đưa thêm cho kẻ lạ mặt một công cụ hữu ích để tiếp cận gần con của bạn.

Chỉ vài phút lơ là mà đứa bé đã vượt khỏi tầm mắt thì bạn nghĩ sao khi kẻ lạ mặt cố tình tiếp cận con bạn mà chúng có đủ thông tin trong tay.

Nhu cầu chia sẻ thành tựu của con cái, sự cố gắng của bố mẹ là chính đáng, dù có sai luật cũng không đáng trách. Chỉ cần khi chia sẻ hình ảnh, bạn hãy chọn lọc hình ảnh giới hạn, và hạn chế người xem.

Hạn chế đưa hình ảnh nơi con học tập lên mạng xã hội. Ví dụ người lạ tiếp cận mà đọc vanh vách thông tin là căng đấy.

Nơi các con hay lui tới vui chơi

Đây chính là nơi NGUY HIỂM và dễ xảy ra sự cố nhất, bởi trường học còn có qui định an ninh kiểm soát, các địa điểm vui chơi hoàn toàn mở.

Việc liên tục chia sẻ về thời gian địa điểm con lui tới vui chơi là điều cực kì nguy hiểm.

Như việc chia sẻ rằng, mỗi cuối tuần con đều ra công viên A, bể bơi B... là hoàn toàn không nên.

Chúng ta có thể chia sẻ hình ảnh cùng con đi siêu thị, đi chơi công viên chỉ một lần, không lặp lại hoặc thật hạn chế thông tin về thời gian. Tháng này đi tháng sau post.

Tuyệt đối không chia sẻ lịch trình vui chơi của con.

Sở thích và tính cách của con: đây được xếp vào bí mật cá nhân!

Đối với con trẻ, phô bày sở thích quần áo, màu sắc, ăn uống đồ chơi của trẻ là trao cho kẻ lạ mặt công cụ dụ dỗ trẻ thành công.

Hoàn toàn không chia sẻ bất kỳ thông tin thật nào về sở thích của con cái.

Thông tin cá nhân như hình ảnh, cân nặng, chiều cao cũng là bí mật cá nhân

Đây là thông tin riêng, chia sẻ cẩn trọng và giới hạn với cả người thân quen.

Nhu cầu chia sẻ hình ảnh của con là có, nhiều mẹ muốn chia sẻ để ông bà ở xa, anh em xa có thể biết thì chúng ta có thể áp dụng các cách sau đây để vẫn bảo đảm được an toàn:

  • Lập một nhóm riêng tư cho anh em họ hàng nội ngoại, bạn bè thân thiết. Như vậy là tốt nhất, ông bà và mọi người vẫn xem được.
  • Không chia sẻ hình ảnh chỉ có một mình con trẻ, nếu muốn chia sẻ hãy chia sẻ hình ảnh của cả gia đình, có mặt bố mẹ ngay gần con và hạn chế người xem.
  • Chỉ chia sẻ ảnh không rõ mặt, không rõ thông tin địa điểm.
  • Làm mờ, che mặt con...
  • Con 5 tuổi post ảnh lúc 5 tháng tuổi cũng là 1 cách.

Chưa nói tới các hoạt động lừa đảo trên mạng xã hội sử dụng hình ảnh con bạn để lập nick lừa hay bị kẻ xấu theo dõi...

Tốt nhất vẫn là chia sẻ có giới hạn và cân nhắc an toàn cho trẻ.

Cập nhật: 24/08/2020 Tổng Hợp
  • 4,36
  • 3.552