Nhật Bản tiến hành nghiên cứu trồng cây lương thực trên Mặt trăng

  •  
  • 102

Đại học Chiba đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Làm vườn Không gian nhằm tập hợp những kiến thức mới nhất trong các lĩnh vực như robot và chỉnh sửa bộ gene để phục vụ việc trồng cây trên Mặt trăng.

Hình ảnh đầu tiên của sứ mệnh Tàu Đổ bộ Thông minh Khảo sát Mặt trăng (SLIM)
Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) công bố những hình ảnh đầu tiên của sứ mệnh Tàu Đổ bộ Thông minh Khảo sát Mặt trăng (SLIM), ngày 25/1/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh hoạt động khám phá vũ trụ đang trở nên sôi động trên khắp thế giới, các nhà khoa học thuộc Đại học Chiba (Nhật Bản) đã bắt đầu tiến hành chinh phục thách thức sản xuất lương thực trên không gian.

Tháng 1/2023, Đại học Chiba đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Làm vườn Không gian nhằm nghiên cứu, tập hợp những kiến thức mới nhất trong các lĩnh vực như robot và chỉnh sửa bộ gene để phục vụ việc trồng cây trên Mặt trăng.

Để thực hiện mục tiêu đó, Trung tâm Nghiên cứu đã xây dựng khu vực thí nghiệm trồng cây trong không gian khép kín, sử dụng ánh sáng nhân tạo và canh tác thủy canh. Trong đó, các nhà khoa học đang phát triển công nghệ để sản xuất tám loại cây ăn được, bao gồm cà chua, gạo, rau diếp, đậu nành và khoai tây theo cách tiết kiệm năng lượng trên bề mặt Mặt trăng, nơi có áp suất và trọng lực thấp hơn Trái đất.

Trung tâm cũng đang nghiên cứu việc phát triển robot có thể xử lý các nhiệm vụ như thu hoạch.

Theo các nhà khoa học, thực vật trên Trái đất cảm nhận được lực hấp dẫn mạnh mẽ, thân và lá của chúng mọc hướng lên trên, bất chấp trọng lực và rễ của chúng mọc sâu vào đất chứa nước. Thực vật trong không gian sẽ có cách phát triển khác với cách thức hoạt động trên Trái đất.

Thông qua thí nghiệm, các nhà khoa học kỳ vọng có thể hiểu được cơ chế phát triển ở cấp độ di truyền và sử dụng các công nghệ tiên tiến như chỉnh sửa bộ gene để kiểm soát các chức năng của thực vật, từ đó chọn ra các giống tối ưu để phát triển trong không gian.

Cập nhật: 20/03/2024 TTXVN/Vietnam+
  • 102