Nhiệm vụ bí mật giúp phát hiện xác tàu Titanic

  •  
  • 110

Công nghệ tàu lặn trang bị camera và phán đoán nhạy bén đã giúp một nhà hải dương học phát hiện xác tàu Titanic hơn 70 năm sau thảm họa đắm tàu.

Gần như ngay lập tức sau khi tàu Titanic chìm vào ngày 15/4/1912, nhà chức trách nỗ lực tìm kiếm xác tàu và thi thể của những nạn nhân chìm cùng con tàu. Tuy nhiên, công nghệ lặn hạn chế thời đó ngăn cản công cuộc tìm kiếm trong hơn 7 thập kỷ. Vào ngày 1/9/1985, cách đây gần 39 năm, xác tàu Titanic được tìm thấy trong một cuộc thám hiểm với tàu nghiên cứu Knorr của nhà hải dương học người Mỹ kiêm sĩ quan hải quân Robert Ballard và nhà hải dương học người Pháp Jean-Louis Michel, theo Business Insider.

 Robert Ballard là người phát hiện xác tàu Titanic.
Robert Ballard là người phát hiện xác tàu Titanic. (Ảnh: CTPost).

Tuy nhiên, chuyến lặn biển ban đầu không phải nhằm tìm kiếm tàu Titanic mà là một nhiệm vụ bí mật nhằm xác định vị trí xác hai tàu ngầm hạt nhân USS Scorpion và USS Thresher. Mãi tới năm 2008, thông tin này mới được công khai khi Ballard chia sẻ sự thật về nhiệm vụ với National Geographic.

Lúc đầu, Ballard gặp Hải quân Mỹ vào năm 1982 để xin kinh phí phát triển Argo, một xe chở camera không người lái có thể kéo phía sau tàu trên mặt nước, hoạt động ở độ sâu tới 6.096m. Hải quân Mỹ đồng ý cấp kinh phí cho dự án nếu sử dụng công nghệ để tìm tàu ngầm bị chìm vào thập niên 1960. Tàu USS Thresher chìm vào tháng 4/1963 và tàu USS Scorpion chìm 5 năm sau đó, vào tháng 5/1968. Đây là những tàu ngầm hạt nhân duy nhất của Hải quân Mỹ bị thất lạc. Phía hải quân đồng ý để Ballard tìm kiếm tàu Titanic nếu còn thời gian trong nhiệm vụ.

Do khi đó Mỹ bị cuốn vào Chiến tranh Lạnh, nhiệm vụ trên trở thành bí mật hàng đầu. Ballard được huấn luyện đặc biệt và phục vụ trong quân ngũ như một sĩ quan hải quân. Ballard bắt đầu chuyến thám hiểm tuyệt mật bằng cách chụp ảnh tàu Thresher vào mùa hè năm 1984. Năm sau, ông và đội chuyên gia từ Viện Hải dương học Woods Hole quay lại Đại Tây Dương và truy tìm xác tàu Scorpion ở vùng biển ngoài khơi Azores. Ballard biết nhiệm vụ hải quân khiến ông có rất ít thời gian để tìm tàu Titanic, vì vậy ông đã hợp tác với Viện nghiên cứu khai thác biển Pháp, IFREMER.

Vào tháng 7/1985, tàu nghiên cứu Le Suroit của Pháp bắt đầu thăm dò khu vực được cho là nơi tàu Titanic chìm xuống. Sử dụng kỹ thuật gọi là "cắt cỏ", trưởng đoàn thám hiểm Jean-Louis Michel kéo hệ thống sóng âm quét sườn khắp khu vực tìm kiếm nhằm phát hiện vật thể kim loại lớn trên đáy biển. Dù rà quét Đại Tây Dương suốt 5 tuần, hệ thống sóng âm không thu được kết quả. Công việc tìm kiếm tàu Titanic được bàn giao cho Ballard và cộng sự, những người vừa kết thúc khảo sát tàu Scorpion.


Tàu lặn Alvin ghé thăm xác tàu Titanic vào năm 1986. (Video: Viện Hải dương học Woods Hole).

Nhiệm vụ quân sự của Ballard khiến ông chỉ còn 12 ngày để tìm kiếm tàu Titanic, nhưng cũng đem đến cho ông ý tưởng về một kỹ thuật tìm kiếm mới. Trong khi chụp ảnh tàu Thresher và Scorpion, ông nhận thấy dòng hải lưu cuốn những mảnh xác tàu nhỏ đi khi chúng chìm xuống đáy biển, tạo thành vệt dài mảnh vỡ. Vì vậy, Ballard quyết định không tìm kiếm thân tàu Titanic. Thay vào đó, ông sử dụng Argo để thăm dò vệt mảnh vỡ lớn hơn nhiều của nó dưới đáy biển, có thể kéo dài 1,6 km. Sau khi tìm thấy vị trí vệt mảnh vỡ, ông có thể dùng nó để lần ra xác tàu.

Phương pháp mới cho phép Ballard mở rộng khu vực tìm kiếm và di chuyển qua đó theo mô hình rộng hơn hẳn. Thay vì "cắt cỏ" bằng sóng âm, ông kéo Argo dọc đáy biển và theo dõi video trực tiếp từ camera trên phương tiện. Một đội 7 người duy trì hoạt động nhịp nhàng giữa tàu nghiên cứu Knorr và tàu lặn cũng như phân tích tất cả dữ liệu. Họ làm việc theo ca để theo dõi liên tục cả ngày. Sau vài ngày, họ trông thấy bảng gắn bằng đinh tán trên thân tàu và lò hơi. Argo tiếp tục lần theo vệt mảnh vỡ và sáng hôm sau, mũi tàu Titanic hiện ra trước mắt họ giữa vùng nước tối đen như mực.

Đúng như nghi ngờ, tàu Titanic bị gãy làm đôi khi chìm xuống đáy biển. Mũi tàu nằm thẳng đứng và vẫn nguyên vẹn. Phần đuôi tàu bị hư hỏng nhiều hơn nằm cách đó 400m.

Ballard và cộng sự vội vàng ghi hình xác tàu bằng cả Argo và Angus, một tàu ngầm không người lái khác được thiết kế để chụp ảnh tĩnh. Những bức ảnh hé lộ các bộ phận lớn ở thân và cột buồm, bao gồm chòi trên cột buồm, nơi đầu tiên phát hiện núi băng trôi chết chóc. Một số cửa sập bị bong ra, cửa chiếu sáng ở boong tàu đã biến mất, cho phép quan sát cầu thang lớn nằm bên trong tàu. Vệt mảnh vỡ lớn bao gồm bảng tên, đồ nội thất, thậm chí có một hộp rượu champagne chưa mở. Dấu vết duy nhất còn sót lại của các nạn nhân là nhiều đôi giày da vẫn nằm trên cát ở đáy biển.

Chỉ 4 ngày sau khi nhóm của Ballard phát hiện xác tàu Titanic, thời tiết giông bão buộc cả đội phải đóng gói vật tư và lái tàu Knorr trở về đất liền. Hàng chục nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng khu vực xác tàu, bao gồm Ballard. Ông quay trở lại vào mùa hè năm sau để quan sát xác tàu lần đầu tiên từ bên trong tàu lặn có người lái tên Alvin. Sau này, Ballard, trở thành một trong những người phản đối mạnh mẽ việc trục vớt đồ vật từ tàu Titanic.

Hồi tháng 2/2023, Viện Hải dương học Woods Hole công bố video dưới nước dài 80 phút chưa từng chia sẻ trước đây về phát hiện. Thước phim được quay bằng camera trên tàu lặn nghiên cứu vào tháng 7/1986.

Cập nhật: 15/04/2024 VnExpress
  • 110