Theo nghiên cứu mới nhất của một nhóm các nhà khoa học đến từ nhiều trường Đại học của Australia, nhiệt độ nước biển tại khu vực rạn san hô Great Barrier (bang Queensland) tại quốc gia này đã ở mức cao nhất trong vòng 4 thế kỷ qua. Tình trạng trên đã đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái của quần thể san hô lớn nhất thế giới.
Các nhà khoa học trên khắp Australia đã tiến hành khoan rút lõi với san hô để phân tích. Cách làm này cho phép họ có thể đo được nhiệt độ đại dương vào mùa hè từ năm 1618. Kết hợp với dữ liệu vệ tinh, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiệt độ nước biển có xu hướng tăng dần từ đầu thế kỷ XX.
Rạn san hô Great Barrier (bang Queensland, Australia). (Ảnh: Reuters).
Cụ thể, trong giai đoạn 1960-2024, nhiệt độ trung bình hằng năm của nước biển từ tháng 1 tới tháng 3 đã tăng trung bình 0,12 độ C qua mỗi thập kỷ. Đặc biệt, dữ liệu nhiệt cũng cho thấy, khoảng thời gian 3 tháng đầu năm 2024, nhiệt độ nước biển tại khu vực ngoài khơi bang Queensland đã ở mức cao nhất trong suốt 400 năm qua. Điều này đã tác động tiêu cực tới hệ sinh thái Great Barrier, khiến cho phần lớn san hô chuyển sang thể trắng do “căng thẳng nhiệt” và đứng trước nguy cơ chết hàng loạt.
Tiến sĩ Benjamin Henley (Đại học Melbourne, đồng tác giả nghiên cứu) cho biết: “Hiện tượng tẩy trắng san hô kể trên có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai. Tương lai của rạn san hô lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm, trừ khi chúng ta ổn định được nhiệt độ ở mức tăng dưới 1,5 độ C trong những thập kỷ tới”.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cũng cho thấy: Kể từ tháng 2/2023, ít nhất có tới 54 quốc gia và khu vực khác nhau đã và đang trải qua hiện tượng tương tự.
Giáo sư Helen McGregor (Đại học Wollongong) cho biết: "Việc hiện tượng tẩy trắng san hô xảy ra phổ biến hơn chứng minh rằng: Tất cả các rạn san hô trên thế giới đều đang gặp nguy hiểm".
“Đây cũng là lời cảnh tỉnh để cả thế giới cần giảm lượng khí phát thải ngay lập tức”, Giáo sư Helen nhấn mạnh.
Great Barrier của Australia là một hệ thống rạn san hô ngầm lớn nhất thế giới với khoảng 3.000 rạn san hô riêng rẽ trải dài gần 2.300km dọc theo bờ biển của bang Queensland. Được coi là một trong những hệ thống san hô lớn nhất và đa dạng nhất trên hành tinh, Great Barrier thu hút hàng triệu du khách và nhà nghiên cứu ghé thăm mỗi năm. Đây cũng là cấu trúc sống lớn nhất thế giới, có thể nhìn thấy từ vũ trụ, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc đưa vào danh sách Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1981. |