Một trong những viễn cảnh tồi tệ nhất của tình trạng khí hậu ấm dần vừa được các nhà khoa học của Đại học New South Wales (Úc) vẽ ra: nhiệt độ Trái đất có thể vượt quá sức chịu đựng của con người, nếu mức tăng của khí thải nhà kính cứ tiếp tục như hiện nay.
Kết luận từ một công trình nghiên cứu được các giáo sư Matthew Huber và Steven Sherwood công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences ngày 3-5.
|
Bản đồ chỉ ra “nhiệt độ bầu ướt” (Tw) cao nhất đạt được ở một mô hình khí hậu, với khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ Trái đất nóng lên 12oC so với năm 2007. Vùng màu trắng là những nơi cái nóng có thể gây ra nhiều sự căng thẳng cho con người - Ảnh: Viện Purdue |
Giống như sốt 42oC trong nhiều giờ... Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu đo được “nhiệt độ bầu ướt” (wet-bulb temperature, gọi tắt là Tw) cao nhất mà cơ thể con người có thể chịu đựng được và phát hiện nhiệt độ này sẽ bị vượt qua trong tương lai, nếu mức độ thải khí gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục như hiện nay.
Tw là nhiệt độ mà ta cảm nhận được khi da ướt bị phơi ra trong gió. Nó bao gồm nhiệt độ cùng độ ẩm của không khí, được đo bằng việc phủ một miếng vải ướt lên trên một bầu nhiệt kế và liên tục quạt bầu nhiệt kế này. Bằng cách đó, các nhà nghiên cứu tính được rằng phần lớn con người và động vật có vú với nhiệt độ cơ thể ở mức khoảng 37
0C sẽ bị tổn thương vì cái nóng khi Tw ở trên mức 35
0C trong liên tục sáu giờ hay hơn (tương tự với một cơ thể bị sốt 42
0C kéo dài). Thông thường Tw ít khi nào vượt quá 31
0C.
Giải thích thêm về kết quả này, đồng tác giả nghiên cứu - giáo sư Steven Sherwood thuộc Trung tâm nghiên cứu thay đổi khí hậu tại Đại học New South Wales cho biết cơ thể người dẫu khi nghỉ ngơi vẫn sản sinh năng lượng từ hoạt động trao đổi chất. Khi quá nóng, cơ thể sẽ tự làm mát bằng cách tiết mồ hôi để xua tan cái nóng. Muốn vậy, không khí xung quanh phải mát hơn làn da và da phải mát hơn nhiệt độ cơ thể gốc. Làn da mát hơn sẽ giúp hấp thu cái nóng quá mức từ cơ thể, thải chúng ra môi trường. Nếu Tw nóng hơn nhiệt độ của da, cái nóng của việc trao đổi chất không thể được phóng thích và nếu kéo dài nhiều giờ sẽ gây tác hại chết người.
Sẽ đến trong thế kỷ tới? Giáo sư Huber cho biết:
“Mặc dù hiện nay ở một số nơi trên thế giới nhiệt độ không khí đôi khi trên 400C, nhưng Tw thật sự cao hiếm khi xảy ra. Lý do là vì những vùng nóng nhất thế giới thường có độ ẩm không cao, điển hình như “cái nóng khô” giống như ở vùng Arizona. Khi trời khô, chúng ta có thể làm mát cơ thể bằng việc bài tiết mồ hôi và nhờ đó có thể giữ được cơ thể tương đối thoải mái.
Những nơi từng được ghi nhận có Tw cao nhất là tại các vùng gần bờ biển Saudi Arabia, nơi gió thường mang không khí nóng, ẩm của đại dương vào đất liền nóng hực khiến không khí cực kỳ khó thở. May mắn là những khoảnh khắc này hiện nay không kéo dài”. Tuy nhiên, nếu cái nóng này ập đến những nơi có độ ẩm cao thì hậu quả sẽ chết người.
Nghiên cứu trên nói cái nóng gay gắt ấy đòi hỏi những nỗ lực lớn để thích nghi. Việc sử dụng nhiều máy lạnh hơn khiến mức tiêu thụ điện tăng vọt, một vấn đề không nhỏ cho các nước thế giới thứ ba. Nó cũng làm bất kỳ công việc lao động ngoài trời nào trở nên nguy hiểm.
Những nhiệt độ chết người này, theo các nhà nghiên cứu của Đại học New South Wales, chưa từng xảy ra trong suốt thời kỳ tồn tại của loài người, nhưng đã xảy ra cách nay 50 triệu năm. Theo họ, cái nóng chết người này có thể đến trong thế kỷ sau, nếu mức thải khí nhà kính tiếp tục như hiện nay.
Nguồn: RedOrbit News