Nhiều phát hiện quan trọng ở khu di chỉ Đồng Đậu

  •  
  • 1.017

Ngày 30/1, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Vĩnh Phúc tổ chức cuộc họp, báo cáo kết quả sơ bộ khai quật khảo cổ di chỉ Đồng Đậu lần thứ 7 được thực hiện từ ngày 10/12/2012 do Khoa Sử - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Vĩnh Phúc cùng tiến hành khai quật.

>>> Tìm thấy di cốt người cổ cách đây 3.500 năm

Khu di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu được phát hiện cách đây 50 năm, có diện tích khoảng 62.000m2, là một trong những khu di chỉ lớn nhất và có tầng văn hóa dày nhất nước ta.

Trong các đợt khai quật trước đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện tại đây nhiều hiện vật phong phú và giá trị, đa dạng với đủ loại chất liệu từ đá, xương, sừng, gốm, đồng... thuộc các giai đoạn văn hóa khác nhau. Cuối năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành cuộc khai quật lần thứ 7. Địa điểm lần này nằm ở phía Tây của đỉnh gò, có diện tích 25m2, cách 2 hố thám sát năm 1999 khoảng 2,5m.

Khu di chỉ Đồng Đậu
Khu di chỉ Đồng Đậu

Đánh giá tổng thể về kết quả khai quật cho thấy, kết cấu tầng văn hóa tại đây gồm có: Lớp mặt, tầng văn hóa Đồng Đậu muộn - Gò Mun sớm, tầng văn hóa Đồng Đậu điển hình và tầng văn hóa Phùng Nguyên. Đoàn đã thu về nhiều hiện vật: Rìu đá, bàn mài đá, vòng trang sức, chuỗi hạt bằng gốm, mũi tên đồng, đồ gốm, dũa đồng, các loại trang sức làm bằng sừng và xương các động vật. Đoàn đã thu được 128 hiện vật đá, 85 hiện vật đồng, 230 hiện vật bằng xương sừng và nhiều đồ gốm được chế tác tinh xảo, thể hiện rõ nét đời sống văn hóa, sinh hoạt của người Việt cổ.

Điều đáng quan tâm nhất, tại đây còn phát hiện được một ngôi mộ có niên đại khoảng 3.500 năm, chứa di cốt của một người đàn ông trưởng thành. Đặc điểm của di cốt có hốc mắt to, sọ và xương cánh tay, xương bả vai.. còn nguyên. Răng cửa không còn nhưng theo giới khoa học thì người Phùng Nguyên trước đây với đàn ông tuổi trưởng thành có tục nhổ răng cửa. Đó là một trong những cơ sở để có thể nhận định người đàn ông được khai quật vừa qua thuộc thời Phùng Nguyên.

Kết quả 7 lần khai quật khẳng định phía Đông khu di chỉ là nơi cư trú của người Việt cổ, còn phía Tây là nơi mộ táng. Đây là một phát hiện quan trọng không chỉ trong lĩnh vực khảo cổ, khoa học mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc.

Ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phối hợp Ủy ban Nhân dân thị trấn Yên Lạc xây dựng, hoàn thiện hệ thống tường rào bảo vệ toàn bộ khu Đồng Đậu lớn có diện tích 42 ha; di dời 13 ngôi mộ mà người dân đã xây ra khỏi khu vực di chỉ; chặt bỏ hết cây ăn quả và cây lấy gỗ lâu năm để rễ cây không ăn xuống làm hỏng tầng văn hóa; lập bia chỉ dẫn cho người dân và khách tham quan biết những hố đã khai quật.

Về di cốt mới được phát hiện, ngành chức năng của tỉnh sẽ cùng các chuyên gia phục chế, xử lý các vấn đề kỹ thuật nhằm bảo quản lâu dài và đưa vào bộ sưu tập di cốt của người Phùng Nguyên được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Theo Vietnam+
  • 1.017