Nhờ có cá mập, đảo ngọc du lịch tại Philippines hồi sinh thần kì

  •   42
  • 2.512

Sau sự tàn phá nặng nề từ cơn bão Haiyan, một hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Philippines đã được hồi sinh nhờ những chú cá mập hung dữ đang ẩn náu dưới lòng biển sâu.

Tháng 11/2013, Philippines phải hứng chịu sự càn quét khủng khiếp từ cơn bão Haiyan. Với sức gió mạnh nhất lên tới 310km/h, nó đã gây thiệt hại nặng nề khiến 7.000 người chết và mất tích, gần 30.000 bị thương, hàng triệu người mất nhà cửa cùng nhiều thiệt hại về tài sản ước tính tới hơn 2 tỷ USD.

Malapascua - hòn đảo nghỉ dưỡng nhỏ thuộc Philippines là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất khi nằm ngay trên đường di chuyển của cơn bão: Toàn bộ nhà cửa bị phá hủy, thuyền bè bị cuốn trôi, điện và thông tin liên lạc hoàn toàn bị tê liệt.

Trong mắt nhiều người, vùng đất du lịch này sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có thể phục hồi hay thu hút du khách du lịch như cũ.

Tuy nhiên, đảo Malapascua lại được hồi sinh thần kì nhờ một vị cứu tinh mà ít người biết tới. Đó chính là loài cá mập với cái tên kì lạ "đuôi máy đập" (thresher shark).

Đảo Malapascua đã bị tàn phá nặng nề sau cơn bão Haiyan.
Đảo Malapascua đã bị tàn phá nặng nề sau cơn bão Haiyan.

Loài vật nguy hiểm này sống tại vùng biển quanh đảo Malapascua và có kích thước khá nhỏ, chỉ dài khoảng 3m. Mỗi buổi sáng, những chú cá mập lại tới khu vực đảo chìm Monad Shoal để "tắm rửa" hoặc vận động nhẹ nhàng.

Giống như các loài động vật khác, loài cá "đuôi máy đập" cũng bị nhiều loại ký sinh khác bám bên ngoài cơ thể.

Và trùng hợp là xung quanh khu vực đảo chìm Monad Shoal lại là nơi sinh sống của nhiều bầy cá hàng chài – một loài cá chuyên "dọn dẹp" những loại ký sinh trên cơ thể các loài sinh vật biển lớn hơn.

Bên cạnh đó, xung quanh khu vực đảo chìm Monad Shoal luôn ẩn chứa những vùng nước sâu với lượng lớn cá mòi sinh sống.

Vì vậy, khu vực trên đã trở thành nơi sinh sống lý tưởng cho loài cá mập "đuôi máy đập" khi vừa có nguồn thức ăn phong phú, vừa gần với khu vực "nhà tắm công cộng" mà nó hay lui tới.

Cá mập "đuôi máy đập" sử dụng đuôi của mình như một vũ khí săn mỗi hữu hiệu.
Cá mập "đuôi máy đập" sử dụng đuôi của mình như một vũ khí săn mỗi hữu hiệu.

Từ những năm 1999, khu vực đảo chìm Monad Shoal đã trở thành điểm đến lý tưởng cho những người muốn chiêm ngưỡng sự mạnh mẽ cùng dáng vẻ oai hùng của "chúa tể" đại dương.

Mỗi buổi sáng, du khách chỉ cần đi thuyền tới khu vực này và lặn xuống đáy biển để quan sát loài cá mập đặc biệt ấy.

Người ta cũng chẳng cần sử dụng mồi nhử hay lồng sắt bảo vệ bởi những chú cá mập chỉ tới đây với mục đích "tắm rửa" nên thường cư xử khá hiền lành nếu không bị trêu chọc.

Đảo Malapascua thường xuyên tiếp đón một lượng lớn du khách thích tận mắt ngắm nhìn loài cá mập giữa đại dương.
Đảo Malapascua thường xuyên tiếp đón một lượng lớn du khách thích tận mắt ngắm nhìn loài cá mập giữa đại dương.

Du lịch cá mập là một trong những điểm sáng nhằm thu hút khách du lịch tại hòn đảo Malapascua. Và hiện nay, nó chính là vị cứu tinh cho nền kinh tế của vùng đất vắng vẻ này.

Dẫu cơ sở vật chất vẫn bị tàn phá nặng nề sau siêu bão Haiyan, song người dân đảo Malapascua đã có thể dùng những con thuyền còn sót lại để đưa du khách đi ngắm cá mập.

Hiện nay, đa phần nền kinh tế trên đảo Malapascua đều xoay quanh loài cá mập "đuôi máy đập" và người dân trên đảo cũng bắt đầu coi loài cá mập này như một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.

Nhiều ngư dân cũng từ bỏ việc săn bắt cá mập và chuyển sang làm hướng dẫn viên bơi lặn hoặc tham gia đấu tranh bảo vệ loài sinh vật đại dương.

Ông Renato Reuyan, một người dân chia sẻ: "Trước đây, cá mập không là gì đối với chúng tôi. Khi bắt được cá mập, chúng tôi sẽ vô cùng vui vẻ. Mỗi đêm tôi có thể bắt được hơn 10 con cá mập khác nhau.

Thế nhưng, tôi đã nhận ra tầm quan trọng của nó sau khi hòn đảo này bị cơn bão Haiyan càn quét. Hiện tôi đang là một hướng dẫn viên bơi lặn. Nếu không còn cá mập thì tôi sẽ không có thu nhập, gia đình tôi sẽ không có gì ăn. Càng nhiều cá mập thì càng nhiều du khách, và tôi càng kiếm được nhiều tiền hơn".

Dẫu cơ sở vật chất vẫn bị tàn phá nặng nề, song điều đó vẫn không ngăn cản được bước chân của những du khách thích khám phá đại dương.
Dẫu cơ sở vật chất vẫn bị tàn phá nặng nề, song điều đó vẫn không ngăn cản được bước chân của những du khách thích khám phá đại dương.

Tuy người dân trên đảo Malapascua đã nhìn ra được tầm quan trọng của loài cá mập nhưng nhiều ngư dân từ các khu vực khác vẫn tiếp tục tới đây để đánh bắt trái phép.

"Họ đánh bắt cá mập để phục vụ cho các thị trường châu Á, chủ yếu là Trung Quốc.

Mỗi năm, có tới hơn 100 triệu cá thể cá mập bị bắt giết trên toàn thế giới, riêng số lượng của loài cá mập "đuôi máy đập" có thể lên tới hàng triệu".

Đáng nói hơn, loài cá mập "đuôi máy đập" cần tới gần 10 năm để trưởng thành và chỉ sinh sản khoảng một đến hai con mỗi năm. Nếu cứ tiếp tục bị đánh bắt với số lượng như hiện nay, loài cá mập trên chắc chắn sẽ tuyệt chủng hoàn toàn trong thời gian không xa.

Chỉ cần quẫy đuôi nhẹ, loài cá mập bé nhỏ này có thể khiến nạn nhân xung quanh bị choáng tạm thời và buộc phải nằm im chịu trận.
Chỉ cần quẫy đuôi nhẹ, loài cá mập bé nhỏ này có thể khiến nạn nhân xung quanh bị choáng tạm thời và buộc phải nằm im chịu trận.

Để bảo vệ loài cá mập "đuôi máy đập" đang sinh sống quanh khu vực đảo chìm Monad Shoal cũng như nguồn sinh kế của mình, những người dân trên đảo Malapascua đã lập nhiều đội tuần tra 24/7 để xua đuổi hàng loạt tàu đánh bắt cá mập trái phép.

Cập nhật: 15/11/2016 Theo Trí Thức Trẻ
  • 42
  • 2.512