Những ai cần phải đi khám hậu Covid-19?

Đối tượng cần phải đi khám hậu Covid-19
  •  
  • 383

Di chứng của Covid-19 khiến nhiều F0 sau khi khỏi bệnh từ 2-3 tháng phải đi khám, thậm chí nhập viện cấp cứu vì hội chứng hậu Covid-19.

Hậu Covid-19 gây nên những di chứng nào?

Theo các chuyên gia y tế, Covid-19 có thể gặp ở mọi độ tuổi và tất cả bệnh nhân đều có nguy cơ xuất hiện di chứng hậu Covid-19.

Tại Hội nghị khoa học thường niên Medlatec Group “Quản lý chất lượng và phòng, chống Covid-19” diễn ra chiều 18-2, nói về vấn đề hậu Covid-19 gây ra những di chứng gì, PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng, Giảng viên cao cấp, Phó chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hô hấp Medlatec cho biết, theo các nghiên cứu trên thế giới, chỉ có từ 10-20% người mắc Covid-19 có biểu hiện hội chứng hậu Covid-19. Hậu Covid-19 có thể xuất hiện trong vòng 3 tháng từ khi mắc bệnh và tồn tại kéo dài trên 12 tuần.

Virus SARS-CoV-2 tấn công vào tất cả các cơ quan của cơ thể ở giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên, giai đoạn hậu Covid-19 có thể do di chứng tổn thương của đa cơ quan, nên hay gặp ở những bệnh nhân có nhiều triệu chứng sau khi khỏi Covid-19 như: Mệt mỏi, tức ngực, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, stress, mất mùi và khứu giác vẫn còn… nhưng hội chứng hệ hô hấp là chủ yếu. Triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi đã hồi phục từ đợt mắc Covid-19 cấp tính, hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Triệu chứng cũng có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.

Có từ 10-20% người mắc Covid-19 có biểu hiện hội chứng hậu Covid-19. 
Có từ 10-20% người mắc Covid-19 có biểu hiện hội chứng hậu Covid-19.

Nguyên nhân gây tình trạng hậu Covid-19 theo PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng là do virus SARS-CoV-2 gây phản ứng viêm - cytokines - xơ hóa - rối loạn đông máu. Do tổn thương di chứng sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện, tổn thương di chứng của bệnh nền kèm theo. Đặc biệt tổn thương đa cơ quan, xơ hóa phổi, tắc mạch phổi là 2 tình trạng di chứng phổi rõ ràng và nặng nhất ở hội chứng hậu Covid-19. “Những F0 phải nhập viện điều trị, đặc biệt là điều trị Hồi sức tích cực (ICU) hay gặp hội chứng hậu Covid-19, còn bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng hầu như ít gặp. Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị xơ phổi hậu Covid là người tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài và có bệnh phổi kẽ từ trước, mức độ nặng phải thở oxy, thở máy", PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng nhấn mạnh.

Những người nên đi khám hậu Covid-19

Trên thực tế, nhiều người mắc Covid-19 khỏi bệnh rất lo lắng, muốn đi khám hậu Covid-19. Vậy đối tượng nào thì nên đi khám hậu Covid-19?

Theo PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng, tuy nhiều người gặp phải hội chứng hậu Covid-19, nhưng không có nghĩa là tất cả những người mắc Covid-19 đều đi khám hậu Covid-19, như vậy sẽ rất lãng phí. “Những người phải có triệu chứng của hậu Covid-19 thì mới đi khám. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi tái khám khi có triệu chứng hậu Covid-19”, PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng khuyến cáo.

PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng cho biết: Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Vương quốc Anh, 30% người lớn mắc Covid-19 bị hậu Covid-19, nhưng ở trẻ nhỏ chỉ chiếm 15-20%. Do hệ thống miễn dịch của trẻ em còn khá tốt, sức phục hồi của trẻ em tốt hơn do chưa có bệnh nền, nên không đáng lo ngại.

PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng cũng cho biết thêm, trẻ em mắc Covid-19 triệu chứng không nặng. Những trường hợp đã tiêm vắc xin, tỷ lệ triệu chứng nặng giảm mạnh và bệnh nhân gần như phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là trẻ em.

“Mặc dù tỷ lệ rất rất nhỏ trẻ nhiễm SARS-CoV-2 xuất hiện dấu hiệu nặng, nhưng các phụ huynh không nên chủ quan, mà phải quan tâm đến triệu chứng đường hô hấp của trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ mà uống thuốc hạ sốt 2 lần không hạ thì phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để có sự hỗ trợ. Phải quan tâm đến nhịp thở của trẻ như: Trẻ dưới 12 tuổi nhịp thở phải trên 30 lần/phút, trẻ vài tháng đến 1 tuổi nhịp thở phải trên 60 lần. Mẹ không biết đếm nhịp thở của con thì nhìn thấy con có cánh mũi phập phồng, lồng ngực co kéo, thở dốc, quấy khóc thì phải liên hệ với y tế cơ sở để có sự hỗ trợ sớm nhất. F0 điều trị tại nhà hiện rất lớn, trong đó có trẻ em, nên vai trò của người thân chăm sóc trẻ nhỏ rất quan trọng”, PGS, TS, BS Hoàng Thị Phượng cho biết.

Hậu Covid-19 là vấn đề sức khỏe được người dân quan tâm, lo lắng, nhất là những bệnh nhân vừa hồi phục sức khỏe sau khi mắc bệnh. Để sức khỏe được quản lý tốt nhất, sau mắc Covid-19 người dân nên đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế để được theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe một cách toàn diện.

Nếu xuất hiện các triệu chứng hô hấp ở hội chứng hậu Covid-19 (khó thở, ho kéo dài, đau ngực, suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế hoạt động thể lực,…) thì việc đến khám tại các cơ sở y tế sẽ giúp phát hiện sớm và xử lý sớm những di chứng phổi sau Covid-19.

Bên cạnh đó, cần có chiến lược tiếp cận toàn diện về đánh giá và chăm sóc tình trạng hậu Covid-19 cho người bệnh cũng như cần phối hợp đa chuyên khoa trong quản lý, điều trị và theo dõi bệnh nhân sau nhiễm Covid-19  do tổn thương đa cơ quan. Đặc biệt cần chú ý phục hồi chức năng sớm nhất có thể và thích hợp.

3 nhóm nên đi khám hậu Covid-19

  • Nhóm người có bệnh nền (như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa...).
  • Nhóm người từ 60 tuổi trở lên bởi họ có nguy cơ có nhiều bệnh đồng mắc chưa khởi phát nhưng sau khi mắc Covid-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn.
  • Nhóm người phải nhập viện khi mắc Covid-19 (bị suy hô hấp, phải can thiệp thở oxy trở lên, sốt cao phải nhập viện…).

Vì sao ở chung nhà, tiếp xúc với F0 nhưng không mắc Covid-19?

Thế nào là tình trạng hậu Covid-19?

Những ai tuyệt đối không được dùng Molnupiravir - thuốc được coi là "chìa khoá" chữa Covid?

Cập nhật: 24/02/2022 Theo QĐND
  • 383