Những câu nói có thể giúp người bị trầm cảm đã được chuyên gia tâm lý thẩm định

  •  
  • 2.092

Trầm cảm là một trong những bệnh tâm lý phổ biến nhất trên thế giới. Trầm cảm có thể xảy ra với bất kì ai, chính bản thân bạn hay những người bạn thương yêu.

Người bị trầm cảm tuy có thể trông vẫn khoẻ mạnh bình thường, song suy nghĩ của họ thường nhạy cảm và bạn có thể vô tình tổn thương đối phương nếu không cẩn thận, ngay cả khi bạn đang cố giúp đỡ và bày tỏ sự quan tâm.

Việc giúp đỡ người bệnh trầm cảm đúng cách có thể lại lại rất nhiều lợi ích và tăng khả năng bảo vệ các bệnh nhân khỏi lo âu, sợ hãi hay nghiêm trọng hơn là các hành vi tự hại. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn trăn trở không biết phải làm thế nào với người thân mắc bệnh trầm cảm thì sau đây là 7 câu nói, hay 7 phương pháp giao tiếp phù hợp và an toàn với những người bị trầm cảm - đã được duyệt bởi tiến sĩ tâm thần học Timothy Legg (giảng viên đại học, chuyên gia tâm lý, trị liệu bệnh nghiện, sức khoẻ cộng đồng).

Bạn có muốn nói về chuyện đó không? Tôi sẽ ở đây khi bạn sẵn sàng chia sẻ.

Việc biết rằng bạn vẫn luôn bên cạnh và được lắng nghe nếu muốn sẽ giúp họ cảm giác được quan tâm hơn.
Việc biết rằng bạn vẫn luôn bên cạnh và được lắng nghe nếu muốn sẽ giúp họ cảm giác được quan tâm hơn.

Bạn không thể ép người bị bệnh trầm cảm phải nói ra những khó khăn họ gặp phải, bởi vì có khi chính họ cũng không thể nói thành lời những điều này. Tuy nhiên việc biết rằng bạn vẫn luôn bên cạnh và được lắng nghe nếu muốn sẽ giúp họ cảm giác được quan tâm hơn.

Nếu bạn nhận thấy họ đang cố giấu rằng mình bị trầm cảm, bạn nên nói với họ rằng bạn có nhận thấy họ đang gặp khó khăn, tuy nhiên cần tránh ép họ kể ra, mà chỉ cho họ biết rằng bạn sẵn bên họ nếu cần. Đừng chỉ đơn giản hỏi những câu như "bạn ổn chứ?" vì những bệnh nhân trầm cảm thường có xu hướng trả lời đơn giản như "tôi ổn".

Tôi có thể làm gì để giúp bạn hôm nay không?

Trầm cảm thường khiến con người sinh ra mệt mỏi, mất ngủ, thiếu động lực trong mọi việc hằng ngày. Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với người này, bạn có thể giúp họ bằng cách hỏi xem họ cần gì ở mình. Đó có thể là những việc nhỏ nhặt như chuẩn bị bữa ăn hay gọi điện đặt món, nhắc họ mang áo khoác, hay có lẽ họ cần bạn gọi điện đánh thức vào buổi sáng để họ có thể đi học/đi làm đúng giờ (người trầm cảm thường ngủ không đủ giấc nên có thể sẽ ngủ quên vào buổi sáng).

Hoặc đôi khi, bạn chỉ cần lắng nghe mà thôi. Giúp đỡ người bị trầm cảm không nhất thiết phải mang lại kết quả to lớn có thể nhìn được, thấy được. Nó có thể đơn giản như việc gọi cho họ một cuốc xe hay đón họ từ chỗ làm, chia sẻ ít bữa ăn, hay là chở họ đi hóng gió, giúp họ làm những công việc mà họ không đủ tỉnh táo để làm.

Bạn đang vượt qua ổn chứ? Cơn trầm cảm của bạn thế nào rồi?

Hãy cho họ biết rằng việc trị liệu là dấu hiệu của sự mạnh mẽ chứ không phải yếu đuối.
Hãy cho họ biết rằng việc trị liệu là dấu hiệu của sự mạnh mẽ chứ không phải yếu đuối.

Nếu như bệnh nhân đã thừa nhận với bạn rằng họ mắc chứng trầm cảm và bắt đầu tìm kiếm trị liệu, trợ giúp thì bằng câu hỏi này, bạn có thể nắm bắt được trạng thái của họ. Hãy khiến nó nghe như thể bạn đang hỏi về một căn bệnh bình thường bởi vì trầm cảm là một chứng bệnh y khoa được công nhận, chứ không phải là điểm yếu hay lỗi lầm gì cả. Bằng việc hỏi câu này, bạn cũng thể hiện rằng mình ủng hộ và quan tâm đối với việc người bệnh tìm kiếm sự trợ giúp trước khi quá muộn. Hãy cho họ biết rằng việc trị liệu là dấu hiệu của sự mạnh mẽ chứ không phải yếu đuối.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cho họ biết rằng bạn đang thấy họ tốt hơn, tiến bộ hơn để khích lệ họ tiếp tục trị liệu.

Bạn không cô đơn. Có thể tôi không hiểu chính xác cảm giác của bạn nhưng tôi vẫn ở bên bạn.

Theo như dữ liệu của trang Healthline thì trầm cảm là chứng bệnh cực kì phổ biến. Từ 2013 đến năm 2016, có thể có tới 8,1% người Mỹ trưởng thành phải trải qua trầm cảm, và đa phần trong số đó không tìm kiếm sự trợ giúp.

Trầm cảm có thể khiến con người cảm thấy bị cô lập khỏi thế giới và họ cảm giác như mình không nên dính dáng gì với người xung quanh. Bạn hãy cho họ biết rằng họ không một mình, rằng bạn có thể ở bên họ mà không cần phải hiểu chính xác những gì đang diễn ra. Trong trường hợp bạn từng bị trầm cảm và đã khỏi, bạn có thể nghĩ đến việc chia sẻ cảm giác của mình với những người đang bị để họ tin tưởng và cảm thấy gần gũi hơn. Tuy nhiên đừng biến nó thành câu chuyện mình đã mạnh mẽ vượt qua thế nào vì nó có thể gây áp lực cho bệnh nhân hiện tại. Thay vào đó, hãy tập trung vào người bệnh và luôn nhớ rằng cần phải lắng nghe

Bạn rất quan trọng với tôi.

Nên nói với họ rằng họ quan trọng với bạn đến mức nào, rằng bạn cần họ trong cuộc đời.
Nên nói với họ rằng họ quan trọng với bạn đến mức nào, rằng bạn cần họ trong cuộc đời.

Dù là ai cũng sẽ vui vẻ khi biết rằng mình được yêu thương và được cần. Đối với những người bị trầm cảm, họ thường xuyên cảm thấy ngược lại: không được yêu thương và không ai cần mình. Đó là lý do tại sao bạn nên nói với họ rằng họ quan trọng với bạn đến mức nào, rằng bạn cần họ trong cuộc đời. Điều này có thể là niềm an ủi lớn lao cho những con người đang phải trải qua bệnh trầm cảm. Bạn có thể nói rõ hơn một chút là bạn yêu quý điểm gì ở họ, hay những việc họ làm khiến bạn cảm thấy vui vẻ và biết ơn.

Điều đó nghe có vẻ khó khăn đấy. Bạn trải qua nó thế nào?

Mục đích của câu nói này chỉ đơn giản là cho bệnh nhân trầm cảm biết rằng bạn công nhận sự khó khăn của họ. Rằng những vấn đề họ đang có hiện tại không phải "lông gà vỏ tỏi". Việc công nhận một cách nghiêm túc các vấn đề của người trầm cảm dù nhỏ nhặt đến đâu cũng có thể giúp họ có cái nhìn đúng đắn hơn về bệnh của mình và chấp nhận điều trị.

Tôi rất tiếc vì bạn đang phải trải qua điều này. Hãy nhớ là tôi ở đây khi bạn cần.

Lời nói của bạn sẽ không hoàn toàn chữa lành họ, nhưng nó có thể giúp phần nào.
Lời nói của bạn sẽ không hoàn toàn chữa lành họ, nhưng nó có thể giúp phần nào.

Có một sự thật là chẳng có điều gì hoàn hảo để nói với một bệnh nhân trầm cảm cả. Lời nói của bạn sẽ không hoàn toàn chữa lành họ, nhưng nó có thể giúp phần nào. Có rất nhiều phiên bản, nhưng bạn nên nhớ nội dung quan trọng là khiến họ cảm giác bạn luôn ở bên khi họ cần, đôi khi chỉ là việc mua giúp họ một món đồ, hay là bắt một cú điện thoại kịp thời lúc họ đang khủng hoảng - những việc có vẻ nhỏ nhặt như vậy đều là thiết yếu và có thể cứu một mạng người.

Bên cạnh đó, cũng có những câu mà bạn không nên nói với người bị trầm cảm:

Hãy luôn nhớ rằng bạn có thể cho họ lời khuyên trong trường hợp được hỏi, nhưng đừng đưa những "biện pháp" theo kinh nghiệm mà bạn nghĩ rằng sẽ có ích, ví dụ như:

  • Nghĩ tích cực lên, cuộc đời tươi đẹp biết bao, tôi không hiểu vì sao bạn phải buồn như thế. (Câu nói này có thể khiến người bị trầm cảm sinh ra cảm giác áy náy, vì nỗi buồn của họ bị xem là "vô cớ").
  • Mọi thứ đều sẽ ổn thôi, hứa đấy. (Không ai có thể chắc chắn rằng bệnh trầm cảm có thể tốt hơn trong một sớm một chiều, những câu khẳng định như thế có thể khiến bệnh nhân thất vọng sau một thời gian).
  • Tôi đã tập yoga/ăn chay/cắt giảm lượng đường... và giờ thì tôi khỏi bệnh hoàn toàn! Bạn nên thử. (Cách hiệu quả với bạn chưa chắc sẽ hiệu quả với người khác, nên hạn chế cho những lời khuyên thuộc trường phái kinh nghiệm. Các chuyên gia tâm lý dày dặn nhất sau khi thăm khám cũng phải mất rất nhiều công sức mới đúc kết được bệnh nhân thật sự cần gì).
  • Ngoài kia có nhiều người còn kém may mắn hơn bạn đấy. (Đây có lẽ là điều dễ gây tổn thương nhất cho những người mắc bệnh trầm cảm, bởi vì nó đẩy họ đến suy nghĩ rằng nỗi đau của mình không có giá trị, là vô lí và sẽ khiến họ cảm thấy tội lỗi, u uất hơn).

Bệnh trầm cảm - Những điều cần biết và giải pháp đơn giản để phòng chống

Hiểu thêm về bệnh trầm cảm

Cập nhật: 24/05/2019 Theo helino
  • 2.092