Theo các nhà nghiên cứu, nếu nói những lời âu yếm, thủ thỉ, bạn nên ghé vào tai trái người tình, hiệu quả sẽ cao hơn. Còn bạn muốn nói điều gì để người ấy nhớ mãi, hãy thì thầm vào bên tai phải.
Bạn sẽ khó tin nhưng sự thật, xương có khả năng "nghe" âm thanh. Các nhà nhà khoa học đã phát hiện, trong tai ẩn nấp 3 thanh xương nhỏ là xương chùy, xương đe và xương bàn đạp. Chúng đều có vai trò khơi dậy sinh lý thính giác của cơ thể. Trong đó, xương bàn đạp là quan trọng nhất. Nó rất nhỏ, giống như cái đòn nóc, không nhìn thấy bằng mắt thường, chỉ nhìn rõ bằng kính hiển vi, trong y học gọi là xương "nghe".
Bất kỳ xương nào trong 3 xương ở trong tai, nhất là xương "nghe" phát sinh bệnh tật cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng truyền âm thanh và cản trở sức nghe, nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến điếc. Việc thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức đề kháng bệnh tật sẽ tạo cho xương "nghe" khỏe khoắn, thính giác càng tốt lên.
Theo nghiên cứu của một số nhà khoa học Mỹ về tai mũi họng, tai của người khỏe mạnh có thể phân biệt hơn 40.000 loại âm thanh khác nhau. Nhưng năng lực phân biệt này có liên quan đến giới tính và tuổi tác. So sánh cho thấy: Tai của đàn ông nhạy cảm và linh hoạt hơn tai phụ nữ. Nam giới phân biệt được 60% loại âm thanh khác nhau, nữ chỉ phân biệt được 28%.
Có người cho rằng, phụ nữ quen làm việc nội trợ trong gia đình nên nhạy cảm và rất thính với những âm thanh trong nhà. Nhưng thực tế chỉ có 16% phụ nữ phân biệt được tiếng gõ thùng, chậu, ống bơ, trong khi cứ 10 người đàn ông thì 4 người lập tức nghe và phân biệt ngay ra những âm thanh này. Có 1/5 số người đàn ông nghe và phân biệt được tiếng va chạm của thìa, bát, đĩa trong khi chỉ 4% phụ nữ làm được. Tương tự, 94% đàn ông có thể nghe được âm thanh kêu vù vù của máy hút bụi nhưng chỉ có 3/4 số phụ nữ phân biệt được tiếng này.
Thử nghiệm còn cho biết, tuổi tác cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến khả năng nghe. Khi phân biệt tiếng đóng và mở cửa, cứ 10 thiếu nhi thì có gần 4 em lập tức nghe và phân biệt ra âm thanh này, trong khi chỉ 2 trong số 10 người trên 40 tuổi có khả năng đó.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu là cô gái nói với chàng trai thì nên ghé vào tai bên trái, sẽ có hiệu quả hơn. Các nhà sinh lý học Mỹ đã tiết lộ bí mật: Dù là trai hay gái, tai trái thích nghe những lời ngọt ngào hơn, nhất là khi nghe người tình nói lại càng dễ động lòng. Theo các nhà khoa học, tai trái của con người do bán não phải điều khiển, có ưu thế hơn về xử lý tình cảm. Nghiên cứu còn chứng minh phản ứng của tai trái với những kích thích âm thanh cũng mẫn cảm hơn, bao gồm cả khi nghe hòa âm và tiết tấu âm nhạc.
Nhưng, nếu muốn đối phương nghe và ghi nhớ lời nói quan trọng của mình thì nên thực hiện ngược lại, ghé vào tai bên phải của họ. Người ta nghe bằng tai phải thì sức nhớ chắc chắn và lâu hơn tai trái. Những thông tin được nghe vào từ tai phải sẽ hội nhập về bán cầu não trái (có ưu thế ghi nhớ hơn).
Một nhà khoa học Nga đã đưa ra kết luận gây sự chú ý: Năng lực sáng tạo của con người và mức độ to nhỏ của tai có quan hệ mật thiết. Người có đôi tai to, dài và quyến rũ nên cảm thấy tự hào và hạnh phúc.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện: Độ to nhỏ của hai tai người cũng luôn có sự khác biệt, chỉ là 2-3 mm về chiều dài, chiều rộng và bề dày nhưng cũng đủ để thông qua tai mà phán đoán vùng nào trong não của người đó phát triển nhất. Cũng có thể lấy đó làm căn cứ để xem xét, phán đoán thiên bẩm của trẻ em về lĩnh vực kiến thức. Mustafan, nhà nghiên cứu người Nga đã phân tích: Những người có tai phải đặc biệt dài có thể sẽ giành được thành tựu về phương diện khoa học chính xác như toán, vật lý, còn người có tai trái to sẽ có sở trường về phương diện khoa học xã hội nhân văn.
Từ lâu, câu nói "tai to có phúc" được lưu hành không những ở châu Á mà còn được nhắc tới ở một số nước châu Âu. Ví như, trong Anh ngữ cổ đại, từ tai to có nghĩa là "quý nhân". Còn tín đồ phật giáo luôn tâm niệm, một trong những "phúc tướng" của Phật tổ Thích Ca là tai rủ đến vai.
Nghiên cứu cho biết, bình thường, càng sống lâu thì tai càng to, thùy tai (dái tai) càng dài, sệ. Hiện tượng này liên quan đến tính đặc thù phát triển của tai: Tứ chi và nội tạng trong cơ thể (động vật có vú nói chung) luôn sinh trưởng theo thời gian với tốc độ khác nhau nhưng khi đến độ tuổi nhất định, chúng dừng lại không phát triển tiếp, duy có tai là ngoại lệ, vẫn tiếp tục sinh trưởng suốt đời cho đến lúc chết. Như vậy, người sống thọ thì ắt tai phải to. Nhưng, người có tai to bẩm sinh có trường thọ hay không thì hiện nay còn chưa có căn cứ khoa học lý giải.
Theo báo chí phương Tây, trên góc độ tướng số, đôi tai của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy ông không hề lạnh lùng như vẻ ngoài. Sự ấm áp của đôi tai cho thấy ông là người khỏe mạnh tuyệt vời và biết lắng nghe người khác. Vành tai Putin thể hiện khả năng tự tin, ứng đáp nhạy bén, tính quyết đoán và khiếu thẩm mỹ, âm nhạc.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trên thế giời hầu như không có đôi tai nào giống nhau hoàn toàn, tai phải, tai trái của từng người lại càng khác nhau. Cũng giống như tay, tai, môi, mắt, tai người cũng có vân. Một người Mỹ đã phát minh ra loại máy chụp ảnh chuyên dùng để lấy ảnh vân tai người. Với kỹ thuật chụp ảnh này, lấy vân tai còn dễ hơn lấy vân tay mà độ tin cậy trong việc giúp cho cảnh sát phá án lại không kém. Hiện nay, phòng hồ sơ của cảnh sát bang California, Mỹ đã lưu giữ tư liệu vân hàng vạn đôi tai người Mỹ và người nhập cư vào Mỹ.
Một tên trộm người Australia trước khi vào nhà đã ghé tai lên cửa sổ để nghe ngóng tình hình bên trong, không ngờ dấu vân tai lưu lại trên cánh cửa. Dấu vết này được cảnh sát đem đối chiếu với hồ sơ lưu vân tai của những kẻ bị tình nghi trộm cắp, khiến hắn không thể chối cãi. Từ đó cho thấy, vân tai là một trong những chứng cứ về thân phận của con người.
Trong cuộc sống, nhiều người vợ hay phàn nàn chồng không muốn nghe họ nói. Theo một số nhà nghiên cứu, việc này quả là oan uổng cho đàn ông bởi trong nhiều tình huống, đối với lời nói của vợ, người chồng không phải không muốn nghe mà đó như một phản xạ quán tính của đàn ông: Mỗi khi nghe phụ nữ nói là họ cảm thấy có "khó khăn" nhất định. Và vì thế, cánh đàn ông có lẽ cần được thông cảm và tha thứ hơn.
Gần đây, nhóm các nhà khoa học Anh còn công bố kết quả một công trình nghiên cứu: Đàn ông vốn tiếp nhận âm thanh của phụ nữ khó khăn hơn so với tiếp nhận âm thanh của người cùng giới khác.