Khả năng cảm nhận về số lượng không phải là "đặc sản" của con người bởi nhiều động vật như vượn cáo và ong mật cũng có thể đếm.
Nhà tâm lý học Claudia Uller của Đại học Essex (Anh) thử nghiệm khả năng đếm của loài kỳ nhông lưng đỏ tại Mỹ bằng những ống đựng ruồi giấm. Bà nhận thấy chúng có thể phân biệt những ống có 1,2 và 3 con ruồi. Nhưng khi Uller chỉ đưa ra những ống có 3 và 4 con ruồi thì chúng trở nên lúng túng. Sau đó bà tiếp tục tăng số ruồi trong ống lên tới 16 và nhận thấy các con vật lại tiếp tục phân biệt được các số từ 5 tới 16.
Kỳ nhông lưng đỏ. (Ảnh: umich.edu)
Nếu đàn gà bị tách làm nhiều nhóm, gà con thường chạy sang nhóm đông nhất. Rosa Rugani và Lucia Regolin - hai nhà khoa học của Đại học Padova (Italy) phát hiện ra rằng gà con có thể phân biệt các số, làm phép cộng và trừ đơn giản.
Gà con. (Ảnh: Lucia Regolin)
Đẻ trứng vào tổ khác là hành vi khá phổ biến ở loài sâm cầm Bắc Mỹ. Chúng làm vậy để những con khác ấp trứng và nuôi nấng con cái của chúng. Để ngăn chặn nguy cơ bị lừa, sâm cầm phát triển một khả năng đặc biệt. Chúng đếm và nhớ số lượng trứng trong tổ sau mỗi lần đẻ. Do đó sâm cầm có thể phát hiện trứng lạ nếu nó xuất hiện.
Sâm cầm Bắc Mỹ. (Ảnh: Newscientist)
Có nhiều bằng chứng cho thấy một số loài động vật linh trưởng cảm nhận về con số giống như con người. Chẳng hạn, các nhà khoa học của Đại học Duke (Mỹ) chứng minh rằng, khỉ Rhesus (khỉ đàn) có khả năng xác định nhóm có nhiều vật thể nhất trong số nhiều nhóm. Mức độ chính xác của chúng không đổi sau nhiều lần lựa chọn.
Khỉ Rhesus.
Christian Agrillo và cộng sự tại Đại học Padova (Italy) nhận thấy cá ăn muỗi (Gambusia affinis) có thể phân biệt được những đàn cá có nhiều cá thể hơn. Bằng nhiều thử nghiệm cụ thể, nhóm nghiên cứu chứng minh rằng cá ăn muỗi có thể phân biệt các số từ 1 tới 16.
Cá ăn muỗi.
Nhà động vật học Elizabeth Brannon của Đại học Duke (Mỹ) nghiên cứu hành vi nhận thức của vượn cáo trong hàng chục năm qua. Bằng một số thử nghiệm, bà chứng minh rằng vượn cáo đuôi chuông có thể sắp xếp các số theo thứ tự tăng hoặc giảm dần. Bên cạnh đó, một loài khác là vượn cáo mongoose có khả năng nhật biết sự thay đổi số lượng vật thể (tăng hoặc giảm) trong môi trường xung quanh.
Elizabeth Brannon đang thử nghiệm với một con vượn cáo mongoose. (Ảnh: Elizabeth Brannon)
Đây là loài côn trùng đầu tiên có cơ hội chứng minh rằng chúng có cảm giác về số. Tiến sĩ Jurgen Tautz, một nhà khoa học của Đại học Wurzburg (Đức) và cộng sự nhận thấy ong mật có khả năng phân biệt các nhóm gồm 1,2,3,4 và 5 vật thể. Tuy nhiên, chúng chỉ phân biệt được hai nhóm. Nếu nhìn thấy ba nhóm vật thể trở lên, ong sẽ lúng túng.
Ong mật.