Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày thịt biến mất khỏi khẩu phần ăn hằng ngày?
Kết quả những nghiên cứu mới đây cho thấy thế giới sẽ có những thay đổi đáng kể về không khí, nguồn nước, lợi ích môi trường, chăm sóc sức khỏe... nếu loại thực phẩm tưởng như không thể thiếu này được thay bằng các loại khác “phi protein.”
Một quầy bán thịt ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: EPA/TTXVN).
Lợi ích từ bữa ăn không thịt
Một trong những chi phí về môi trường của việc tiêu thụ thịt được đề cập thường xuyên nhất là lượng CO2 phát thải trong quá trình sản xuất thịt.
So với trái cây và rau xanh, lượng CO2 phát thải từ sản xuất thịt khá cao. Tổ chức Scientific American so sánh lượng CO2 phát thải từ quá trình sản xuất nửa pound (1 pound = 0,454 kg) nhiều loại thực phẩm với lượng khí thải từ chạy xe ôtô.
Kết quả cho thấy, sản xuất khoai tây thải ít khí CO2 nhất, tương đương lượng khí thải khi chạy xe 0,17 dặm (1 dặm = 1,60934 km).
Sản xuất táo, măng tây phát ra lượng khí thải tương đương chạy xe 0,2 dặm và 0,27 dặm.
Sản xuất thịt gà và thịt lợn phát thải lượng khí CO2 ngang bằng mức lái xe 0,73 dặm và 2,52 dặm. Sản xuất thịt bò cho ra kết quả cao nhất, tương đương việc chạy xe 9,81 dặm.
Nghiên cứu của Trường Oxford Martin thuộc Đại học Oxford cũng chỉ ra rằng, một bước chuyển mang tính toàn cầu sang các chế độ ăn phụ thuộc vào thịt ít hơn có thể làm giảm 2/3 lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.
Nghiên cứu này còn đưa ra ba kịch bản cho năm 2050 khi dân số thế giới đi theo hướng ăn lành mạnh, khi dân số thế giới chuyển sang ăn chay và khi dân số thế giới ăn chay trường.
Kết quả cho thấy, dân số thế giới khi ăn chay trường sẽ mang về gần 600 tỷ USD lợi ích về môi trường và gần 1.100 tỷ USD lợi ích về chăm sóc sức khỏe.
Dân số nếu chuyển sang ăn chay sẽ mang về hơn 500 tỷ USD lợi ích về môi trường, và gần 1.000 tỷ USD lợi ích về chăm sóc sức khỏe, bỏ xa nhóm cuối cùng, chỉ mang về hơn 200 tỷ USD lợi ích về môi trường và hơn 700 tỷ USD lợi ích về chăm sóc sức khỏe.
Tiến sỹ Marco Springmann, người dẫn dắt nghiên cứu, nhận định những gì con người ăn tác động lớn tới sức khỏe cá nhân và môi trường toàn cầu.
Nước là yếu tố lớn tiếp theo bên cạnh không khí, liên quan mật thiết đến lượng thực phẩm con người tiêu thụ. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dẫn thống kê của Ecosystems - Đánh giá toàn cầu về nước đối với các sản phẩm động vật chăn nuôi - cho thấy sản xuất thịt và các sản phẩm từ động vật như sữa, trứng, bơ, sử dụng một lượng nước lớn đáng kể nếu đem so với trồng trọt.
Để có được 1 tấn thịt gà phải tiêu thụ gần 5.000m3 nước. Lượng nước dùng để cho ra 1 tấn thịt lợn, thịt cừu, thịt dê, nhiều hơn, lên tới khoảng 5.000-8.000m3 nước.
Lượng nước dùng để sản xuất thịt bò nhiều nhất, hơn 15.000m3 nước, cao gấp 60 lần so với lượng nước sản xuất 1 tấn mía hay 1 tấn rau, khoảng 250m3 nước.
Hãng tin BBC đưa ra một số giả thiết khi toàn bộ thế giới chuyển sang ăn chay. Nếu mỗi người đều ăn chay vào năm 2050, thế giới sẽ giảm được khoảng 7 triệu ca tử vong/năm.
Nếu là ăn chay trường, con số này được tăng thành 8 triệu ca. Bữa ăn không có thịt giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh tiểu đường, đột quỵ và một số chứng bệnh ung thư, và có thể tiết kiệm cho thế giới từ 2-3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hóa đơn mua thuốc.
Nếu không dùng thịt, con người cần tìm các thực phẩm dinh dưỡng thay thế, khi thế giới hiện còn hơn 2 tỷ người thiếu ăn.
Những xứ sở thân thiện với đồ chay
Worldatlas.com cho biết, với gần 38% dân số ăn chay, Ấn Độ hiện là nơi có nhiều người ăn chay nhất thế giới. Israel đứng ở vị trí thứ hai với 13% dân số ăn chay, theo sau là Đài Loan (Trung Quốc) với 12%, Italy (10%), Áo, Anh, Đức (cùng ở mức 9%), tiếp đến là Brazil (8%), Ireland (6%) và Australia (5%).
Còn theo Lonelyplanet, Seychelles, nằm ở miền Đông châu Phi, đứng đầu danh sách những quốc gia thân thiện với ăn chay nhất thế giới dựa trên Chỉ số Ăn chay Toàn cầu tổng hợp bởi Oliver’s Travels (Anh), với lượng thịt tiêu thụ bình quân đầu người/năm thấp nhất thế giới (35,6 kg), nhiều nhà hàng bán đồ ăn chay (117 nhà hàng) tương quan với dân số ít.
Thái Lan đứng ở vị trí thứ hai, với 25,8 kg thịt/người/năm, 908 nhà hàng chay. Malaysia chiếm vị trí thứ ba, với 52,3 kg thịt tiêu thụ/người/năm, 1.185 nhà hàng chay.
Đại diện cho “lục địa già” là Vương quốc Anh, với 84,2 kg thịt/người/năm, 4.433 nhà hàng. Khu vực Bắc Mỹ có Belize, với 42,5 kg thịt/người/năm, 28 nhà hàng.
Khu vực Nam Mỹ có Peru với 20,8 kg thịt/người/năm, 284 nhà hàng. Đại diện cho châu Đại Dương là Quần đảo Solomon, tiêu thụ 11,9 kg thịt/người/năm.
Mỹ là nước có nhiều nhà hàng ăn chay nhất thế giới (18.975 nhà hàng) song không lọt vào top 20 nước do lượng thịt tiêu thụ trung bình ở nước này đứng ở mức cao nhất thế giới, 120 kg/người/năm, so với nước có tỷ lệ thấp nhất là Bhutan, 3 kg thịt/người/năm.
Những nước ít phụ thuộc vào thịt tại khu vực Đông Nam Á đều lọt top trong danh sách trên./.