Bị đánh giá thấp vì giới tính cũng như xuất thân của mình, nhưng những người phụ nữ này đã chứng minh cho chúng ta thấy họ là mảnh ghép không thể thiếu trong công cuộc chinh phục Mặt trăng của con người.
Vào năm 1965, Poppy Northcutt là nữ kỹ sư duy nhất tại Cơ quan Kiểm soát Nhiệm vụ Houston của NASA. Được công tác trong một cơ quan lớn về vũ trụ nên Northcutt luôn tự tin vào tài trí của mình, nhưng làm việc ở môi trường được cho là “lãnh địa của những người đàn ông" không phải là một điều dễ dàng.
Chính vì thế, đôi khi Northcutt cảm thấy bị cô lập trong chính nơi làm việc của mình. Cũng giống như hàng nghìn người phụ nữ làm việc tại NASA khác, cô đảm nhận nhiệm vụ tính toán số liệu. Công việc này xuất hiện trước khi máy tính điện tử ra đời, những người phụ nữ sẽ sử dụng năng khiếu toán học của mình để thực hiện tất cả các phép tính cần thiết cho thí nghiệm.
Trong lịch sử, phụ nữ vốn đã đảm nhiệm vị trí này từ lâu trước đó, bằng chứng là có những nhóm “máy tính" làm việc tại Đài thiên văn Harvard hay Đài quan sát Greenwich vào cuối những năm 1800. Tại NASA, những người phụ nữ này sẽ đảm nhận khâu tính toán quan trọng nhất để đưa những nhà du hành vũ trụ lên Mặt trăng.
Không cảm thấy cô đơn như Northcutt, Sue Finley lại có rất nhiều đồng nghiệp là phụ nữ cùng làm việc với cô tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực tại thành phố Pasadena, California. Không chỉ có giám sát viên là nữ mà hầu như tất cả các thành viên trong tổ máy tính đều là nữ.
Nhóm nhân viên đảm nhận vai trò máy tính tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực.
Vào buổi tối ngày 31/01/1958, khi nữ quan sát viên Barbara Paulson tuyên bố rằng vệ tinh đầu tiên của Mỹ mang tên Explorer 1 đã rời bầu khí quyển và bay vào không gian, cả căn phòng vỡ òa trong sự vui sướng. Đây chính là thời khắc đánh dấu Mỹ đã bắt kịp với Liên Xô trong việc đưa vệ tinh vào không gian, cũng chính là thời khắc mà Mặt trăng trở thành mục tiêu chinh phục tiếp theo của họ.
Tiếp nối thành công, Finley bắt đầu điều chỉnh các thiết kế và quỹ đạo để hiện thực hóa việc đưa robot lên Mặt trăng. Nhóm của cô đã tập trung vào dự án Ranger (1961-1965), với mục tiêu là đưa máy ảnh lên Mặt trăng, chụp lại những hình ảnh cận cảnh của bề mặt vệ tinh này và chọn một địa điểm hạ cánh an toàn cho Apollo.
Sau dự án này là dự án Surveyor (1966-1968), với yêu cầu chính là thu thập thêm dữ liệu về nhiệt độ và chất nền bề mặt vệ tinh. Ngoài ra, Finley cũng tham gia vào nhóm thiết kế các ăng-ten vô tuyến lớn có nhiệm vụ theo dõi và liên lạc với Apollo.
Tất cả những người phụ nữ làm việc tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực vào những năm 1960 đều là những nhà toán học được đào tạo chuyên sâu, nhiều người trong số đó còn đạt được bằng cấp cao.
Helen Ling tại phòng thí nghiệm.
Helen Ling, sinh ra tại Trung Quốc và trải qua một tuổi thơ đầy biến động dưới ảnh hưởng của Chiến tranh thế giới thứ hai, sở hữu cho mình một bằng thạc sĩ toán học và làm chức vụ quản lý mảng máy tính tại Phòng thí nghiệm trong hơn ba thập kỷ.
Janez Lawson, nhân viên phụ trách kỹ thuật người Mỹ gốc Phi đầu tiên tại Phòng thí nghiệm có bằng cử nhân về kỹ thuật hóa học tại Trường Đại học California, Los Angeles. Đáng lẽ với bằng cấp đó trong thời hiện đại, cô đã vinh dự trở thành một kỹ sư, nhưng sự phân biệt chủng tộc của những năm 1950 đã ngăn cản điều đó, và cô chỉ có thể làm một vị trí tính toán nhỏ.
Thậm chí, những nhóm “máy tính thủ công" là phụ nữ người Mỹ gốc Phi còn bị tách ra khỏi trung tâm làm việc của NASA và được phân vào một nhóm gọi là “Máy tính khu vực phía Tây". Sự phân biệt này không chỉ thể hiện rằng họ sẽ được trả lương thấp hơn nhiều so với những người da trắng khác mà ngay cả khu làm việc, khu ăn uống và vệ sinh đều phải bị tách riêng.
Tuy nhiên, những sự phân biệt chủng tộc này chẳng thể thay đổi được tầm quan trọng của họ. Tác giả Margot Lee Shetterly đã viết cuốn sách Hidden Figures (2016) kể về câu chuyện có thật của ba người phụ nữ làm việc trong Cơ quan Hàng không Vũ trụ, và sau này đã được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng cùng tên.
Ba người phụ nữ được nhắc đến trong cuốn sách đã dựa vào tài năng của chính mình để từ vai trò nhân viên tính toán trở thành một kỹ sư chân chính, đó là: Katherine Johnson, Dothory Vaughan và Mary Jackson. Mỗi khi nhắc đến chuyến bay đầu tiên đưa con người vào vũ trụ, người ta không thể không nhắc đến ba người phụ nữ tài năng này.
Katherine Johnson.
Chính John Glenn, một trong những phi hành gia đầu tiên cũng đã nói về Katherine Johnson rằng, “Nếu cô ấy nói rằng những chỉ số đã đạt yêu cầu, tôi sẽ sẵn sàng đi lên Mặt trăng". Không chỉ tính toán những con số, Johnson còn thiết kế quỹ đạo cho chuyến du hành vòng quanh Trái đất năm 1962 của ông.
Để có thể thực hiện một chuyến bay lên Mặt trăng, NASA cần các tên lửa nhiều tầng, với phần dưới chuyên cung cấp lực đẩy. Khi đến một độ cao nhất định, phần này sẽ tự động tách ra và rơi xuống Trái đất trong khi phần trên của tên lửa hướng thẳng đến Mặt trăng. Chiến dịch này đã được thực hiện tại Phòng thí nghiệm của NASA tại Ohio, và đứng đầu trong số các lập trình viên nữ tại đây là Annie Easley, một phụ nữ người Mỹ gốc Phi với tấm bằng cử nhân toán học tại Đại học bang Cleveland.
Annie Easley tại Trung tâm nghiên cứu ở Cleveland.
Cũng giống như những người phụ nữ khác làm việc tại đây, Easley bắt đầu với công việc tính toán. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1960, khi những chiếc máy tính điện tử ra đời với sự nhanh nhạy và linh hoạt hơn so với cách tính thủ công thì những nhân viên như Easley phải chuyển sang việc viết chương trình máy tính cho cơ quan vũ trụ.
Đây cũng chính là thời điểm mà Easley bắt đầu công việc lập trình động cơ cho tên lửa Centaur, và công nghệ này sớm sẽ một phần quan trọng của Apollo.
Ở một nơi khác, tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, các mảnh ghép của Apollo 11 đang được lắp ráp. Dưới sự tính toán của nhiều nữ kỹ sư trên khắp cả nước, chiếc tên lửa dần dần được hoàn thiện. Trong số các kỹ sư có JoAnn Morgan, một cô gái trẻ 28 tuổi chuyên điều khiển các thiết bị đo đạc, đã làm việc tại Trung tâm kể từ khi NASA thành lập năm 1958.
Tương tự như Northcutt, Morgan là người phụ nữ duy nhất làm việc trong phòng điều khiển tại Kennedy. Mặc dù đã tham gia vào tất cả các lần phóng Apollo trước đó, nhưng lần phóng thứ 11 này sẽ đánh dấu lần đầu tiên cô được ngồi vào bàn điều khiển.
Mặc dù vậy, dường như những nhà báo lúc bấy giờ không thích cảnh một người phụ nữ ngồi trong phòng điều khiển, ở một vị trí quan trọng như nơi mà Morgan đang ngồi. Một trong số những phóng viên đã xuống hàng của cô và nói với một đồng nghiệp nam bên cạnh, “Tôi mong là anh có thể để cô ấy ra ngoài và tô một chút son môi".
JoAnn Morgan tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy.
Thế nhưng, son môi không phải là thứ mà Morgan sẽ nghĩ đến vào sáng ngày 16 tháng 7 năm 1969, khi tàu Apollo 11 được chính thức phóng vào vũ trụ.
Bốn ngày sau, vào ngày 20/07, tàu Apollo bắt đầu hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng. Nhưng chỉ ba phút trước khi hạ cánh, hệ thống máy tính đã phát cảnh báo về trường hợp khẩn cấp, khiến các kỹ sư lúc này phải đưa ra quyết định: cố gắng đến cùng dù cho có phải hy sinh hay hủy bỏ sứ mệnh.
May mắn thay, nữ kỹ sư Margaret Hamilton đã chuẩn bị cho tình huống này từ lâu về trước. Và nhờ vào chương trình phát hiện và sửa lỗi mà cô viết, phần mềm đã khởi động lại và Apollo 11 đã hạ cánh thành công.
Margaret Hamilton.
Khoảnh khắc phi hành gia Neil Armstrong bước xuống từ khoang tàu trước con mắt của toàn bộ nhân loại, thực hiện bước đi đầu tiên trên bề mặt Mặt trăng đã trở thành một biểu tượng: “Đó là một bước tiến nhỏ của con người nhưng lại là một bước nhảy vọt khổng lồ của nhân loại". Tuy nhiên, khoảnh khắc đó không chỉ do những người đàn ông tạo ra, mà đó là thành quả của hàng nghìn người kể cả đàn ông và phụ nữ, thuộc mọi chủng tộc, quốc tịch khác nhau. Tất cả đều đã nỗ lực mang lại một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại.
Đối với những người phụ nữ làm việc trong ngành hàng không vũ trụ, công việc của họ mới chỉ là khởi đầu. Trong tương lai, không chỉ là Mặt trăng mà họ vẫn sẽ tiếp tục khám phá những hành tinh thuộc Hệ Mặt trời. Với họ, những nhiệm vụ mới vẫn còn đang ở phía trước.