Những phát minh làm thay đổi thế giới của người Sumer

  •  
  • 2.001

Hầu hết các tri thức và công nghệ mà chúng ta đang có ngày nay đều bắt nguồn từ tận thế giới cổ đại.

Chúng ta tự hào là thế hệ tân tiến nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng hầu hết các tri thức và công nghệ mà chúng ta đang có ngày nay đều bắt nguồn từ tận thế giới cổ đại. Trong số này, người Sumer góp vào 4 phát minh mà nếu như không có họ, sẽ không có chúng ta ngày hôm nay.

Chữ viết

Theo nghiên cứu khảo cổ, người Sumer sinh cư tại vùng phía Nam của đồng bằng châu thổ sông Tigris và Euphrates. Vào khoảng cuối thiên niên kỷ IV trước Công nguyên, họ đã có những khu vực định cư rộng lớn, kiên cố với tường cao hào sâu bảo vệ, xã hội cũng đã phân chia giai cấp với người đứng đầu là vua Sumer.

Đời sống kinh tế phát triển thịnh vượng được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy sự ra đời của chữ viết của người Sumer. Bởi vì, trong môi trường buôn bán tấp nập và khoảng cách giao thương ngày một xa, rộng, các cư dân cần có thứ gì đó để làm tin và kết nối giao tiếp không giới hạn.

Dựa vào các phát hiện khảo cổ, chữ hình nêm đã ra đời muộn nhất vào khoảng năm 3500 trước Công nguyên. Những ký tự đầu tiên chính là hình vẽ biểu trưng cho hàng hóa và con đường phân phối chúng. Ví dụ như hình vẽ tối giản động vật, ngũ cốc, người nhận hoặc địa điểm giao hàng…

Càng lúc, chữ hình nêm càng phát triển mạnh và vượt ra khỏi mục đích thương mại. Cuối cùng, nó trở thành hệ thống chữ viết với lượng từ vựng gần như vô hạn và biến thành công cụ biểu đạt đắc lực trong nghệ thuật sáng tác thi ca của các thi nhân.

Sử thi thành văn đầu tiên của người Sumer có lẽ là Gilgamesh. Nó nhấn mạnh sự phức tạp của cảm xúc và xoay quanh các chủ đề mà hậu thế muôn đời vẫn khai thác tiếp là tình yêu, nỗi sợ hãi, sự hy vọng và cái chết. Thú vị là ngoài các câu chuyện, Gilgamesh còn như “sách giáo khoa về địa lý, tự nhiên và khoáng vật”, lưu truyền chi tiết tri thức của người Sumer.

Từ nền văn minh Sumer, chữ hình nêm lan ra và trở thành ngôn ngữ chính của nhiều nền văn minh cổ đại khác. Trải qua hàng nghìn năm, nó trở thành nền tảng của nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Akkad, tiếng Babylon, tiếng Hittite và tiếng Ba Tư.

Số và toán

Bảng lượng giác Plimpton 322
Bảng lượng giác Plimpton 322. (Ảnh: Thecollector.com).

Giống như với chữ hình nêm, người Sumer cũng phát minh ra số vì nhu cầu thương mại. Mặc dù, họ không phải là người đầu tiên tạo ra khái niệm số học, nhưng hệ số của họ lại là hệ lục thập phân (cơ số 60) thông dụng và được lưu truyền, áp dụng lâu dài, xa rộng.

Theo suy đoán của các nhà sử học và toán học, người Sumer sáng tạo ra cơ số 60 vì nó có số lượng ước số cao (60 là số nhỏ nhất chia hết cho tất cả các số từ 1 đến 6) và dễ dàng nhẩm bằng ngón tay. Trong toán học ngày nay, cơ số 60 vẫn là hệ số phổ biến, nằm trong hệ số đo đơn vị thời gian, góc độ, tọa độ.

Cũng từ cơ số 60 của người Sumer, các nhà toán học đời sau phát triển phương trình hình học, công thức số học. “Học trò” ấn tượng nhất của toán học Sumer có lẽ là người Babylon.

Họ để lại bảng lượng giác cổ quan trọng nhất thế giới, Plimpton 322, cái đóng vai trò tiền đề cho định lý Pythagore mà ai ai cũng biết, a2 + b2 = c2. Hoàn toàn chính xác khi khẳng định, người Sumer cổ đại chính là nhà phát minh ra toán học.

Dược

 Con dấu của thầy thuốc Ur-Iugal-Edinna, năm 2000 TCN.
Con dấu của thầy thuốc Ur-Iugal-Edinna, năm 2000 TCN. (Ảnh: Thecollector.com).

Như hầu hết các nền văn minh ở thời còn mông muội, người Sumer cũng cho bệnh tật là sự trừng phạt từ các vị thần và để chữa trị, họ cầu nguyện, hiến tế. Tuy nhiên, vật được họ sử dụng để thực hiện các nghi lễ lại chính là phương thuốc.

Người Sumer có 2 kiểu thầy thuốc, Asu – người hành y, chữa trị bệnh tật cho người bệnh bằng kiến thức y học và Asipu – pháp sư xua đuổi tà ma, cầu khẩn thánh thần bằng phương thuốc. Mặc dù giữa cả 2 có sự đối chọi, nhưng đều chung mong muốn chữa bệnh, phụ trách cả điều trị thân thể lẫn tinh thần.

Theo các tư liệu cổ tìm được, dược liệu chính của các thầy thuốc Sumer là thảo mộc, khoáng chất và muối. Họ thường nghiền nát chúng rồi hòa với nước, bia, rượu hoặc mật ong để giúp người bệnh dễ nuốt.

Ngoài ra, các thầy thuốc Sumer còn đề cao sự sạch sẽ. Họ luôn khuyên bảo người bệnh vệ sinh thân thể, nơi ở thường xuyên và không bao giờ quên rửa sạch tay trước khi khám bệnh hoặc thực hiện các tiểu phẫu.

Phẫu thuật của người Sumer tiên tiến bất ngờ. Họ đã biết sử dụng ống thông để giải quyết các vấn đề về thoát dịch và đường tiết niệu. Một miếng đất sét được tìm thấy đã mô tả quá trình thoát dịch thừa từ gan cần mổ một vết giữa xương sườn thứ 3 và thứ 4. Một miếng khác thì hướng dẫn khoan hộp sọ để dẫn lưu áp xe.

Trong xã hội Sumer, thầy thuốc được kính trọng vô cùng. Đổi lại, họ rất có trách nhiệm và sẵn sàng chịu trách nhiễm khi sơ suất. Ngày nay, các bác sĩ đều thuộc nằm lòng Lời thề Hippocrates. Thú vị là, các nguyên tắc trong lời thề này đều gốc gác từ luật lệ và thực hành y học của người Sumer.

Nông nghiệp

 Tranh phác họa canh tác nông nghiệp của người Sumer cổ đại.
Tranh phác họa canh tác nông nghiệp của người Sumer cổ đại. (Ảnh: Thecollector.com).

Địa bàn sinh cư của người Sumer là đồng bằng sông Tigris và Euphrates phì nhiêu, vô cùng thích hợp cho canh tác nông nghiệp quy mô lớn. Mỗi năm, mưa lũ lại khiến cho vùng đất bằng phẳng, rộng mênh mông này được bồi thêm một lớp phù sa nên ngày càng màu mỡ hơn.

Tuy nhiên, khoảng 5 - 6 nghìn năm trước, khí hậu nóng lên và thời tiết hiếm mưa. Để duy trì nông nghiệp, người Sumer buộc phải tìm ra cách phân phối nước tưới tiêu hợp lý và họ đã sáng tạo ra hệ thống thủy lợi tuyệt vời.

Xung quanh thành cổ Uruk của người Sumer, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều vết tích của kênh, mương và hồ chứa nước. Người Sumer cũng chính là chủ nhân của cần kéo nước, thiết kế lợi dụng sức nặng của vật nặng buộc ở một đầu sào để dễ dàng nhấc thùng nước từ chỗ thấp lên cao.

Khoảng năm 1000 trước Công nguyên, người Sumer sáng tạo ra cày sử dụng sức kéo của trâu bò. Họ thậm chí biết buộc túi đựng hạt giống vào cày để bớt công gieo hạt.

Người Sumer là chủ nhân của nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại phát triển mạnh trong khoảng cuối thiên niên kỷ IV – thiên niên kỷ III trước Công nguyên. Họ được ghi nhận là một trong 4 nền văn minh sớm nhất và lớn nhất thế giới, cùng với Ai Cập cổ đại, Norte Chico và Lưu vực Sông Ấn.

Cập nhật: 05/12/2024 GDTĐ
  • 2.001