Những phát minh mà nền văn minh Lưỡng Hà để lại cho hậu thế

  •   32
  • 13.174

Được xem là "cái nôi văn minh" của thế giới, nền văn minh Lưỡng Hà xa xưa đã để lại cho hậu thế nhiều phát minh giá trị.

Lưỡng Hà là vùng đất giữa 2 con sông Tigris và Euphrates. Bắt đầu xuất hiện lần đầu tại miền nam Iraq, nền văn minh Lưỡng Hà phát triển trên một khu vực rộng lớn bao gồm Iraq, Kuwait, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây nam Iran ngày nay.

Khu vực Lưỡng Hà
Khu vực Lưỡng Hà - (Ảnh: Ancient Civilizations).

Là một trong bốn nền văn minh phát sinh dọc theo các con sông nổi tiếng trên thế giới cùng với đồng bằng châu thổ sông Nile ở Ai Cập, đồng bằng sông Ấn ở Ấn Độ và đồng bằng sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, nền văn minh Lưỡng Hà đã để lại cho hậu thế nhiều phát minh giá trị.

Hệ đếm 60 và 1 giờ có 60 phút

Bảng đất sét 3.700 của người Babylon cổ đại ghi chép nhiều phương pháp tính toán.
Bảng đất sét 3.700 của người Babylon cổ đại ghi chép nhiều phương pháp tính toán. Bảng này hiện được lưu giữ tại thư viện trường Đại học Columbia, New York - (Ảnh: Andrew Kelly).

Người dân Lưỡng Hà sử dụng hệ thống số đếm 60. Từ đó, người Lưỡng Hà phân chia 1 giờ thành 60 phút và 1 phút gồm 60 giây.

Cũng chính nhờ vào cơ số 60, vòng tròn được chia thành 360 độ.

Từ xưa, người Lưỡng Hà cổ đại biết cách làm 4 phép tính cộng trừ nhân chia, biết phân số, luỹ thừa, căn số bậc hai và căn số bậc 3. Họ biết lập bảng căn số để dễ tra cứu và biết giải phương trình có 3 ẩn số.

Họ biết tính diện tích nhiều hình và biết cả quan hệ giữa 3 cạnh trong tam giác rất lâu trước khi Pitago (sống vào những năm 500 TCN) chứng minh điều này.

Lịch âm 12 tháng

Cư dân Lưỡng Hà dựa vào Mặt Trăng làm lịch 12 tháng
Cư dân Lưỡng Hà dựa vào Mặt Trăng làm lịch 12 tháng - (Ảnh: NASA).

Những nhà thiên văn học người Babylon (một bộ phận của nền văn minh Lưỡng Hà) có thể dự đoán các kỳ nhật nguyệt thực và các điểm chí trong năm.

Cũng chính họ đưa ra ý tưởng lịch 12 tháng dựa trên chu kỳ Mặt Trăng. Đây là cơ sở cho loại lịch âm dương mà chúng ta sử dụng ngày nay.

Không lâu sau, người Ai Cập học hỏi loại lịch 12 tháng này nhưng áp dụng với Mặt Trời.

Bánh xe và xe kéo

Bức họa một chiếc chiến xa của người Sume những năm 2500 TCN
Bức họa một chiếc chiến xa của người Sume những năm 2500 TCN - (Ảnh tư liệu).

Người Lưỡng Hà trong những năm 3.000 TCN là những cư dân đầu tiên chế tạo một phương tiện di chuyển nhờ vào sức kéo động vật. Đến khoảng năm 2.000 TCN, xe kéo mới du nhập vào Trung Quốc.

Xe kéo nguyên bản là một cỗ xe 2 hoặc 4 bánh được kéo bởi 2 hay nhiều con ngựa buộc sát cạnh nhau, được điều khiển bởi một người đánh xe. Cỗ xe được sử dụng trong nhiều mục đích như vận chuyển, diễu hành, thi đấu thể thao và cả trong chiến tranh.

Xe kéo xuất hiện ở nền văn minh Lưỡng Hà cũng là điều dễ hiểu khi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính cư dân Lưỡng Hà là người sáng tạo ra bánh xe những năm 3.500 TCN phục vụ cho hoạt động sản xuất và vận tải.

Thuyền buồm

Thuyền buồm của người Lưỡng Hà cổ đại
Thuyền buồm của người Lưỡng Hà cổ đại - (Ảnh: Bright Hub Engineering).

Do nhu cầu giao thương hàng hóa, người Sume nhận thấy di chuyển bằng đường bộ mất nhiều thời gian và không vận chuyển được hàng hóa số lượng lớn.

Người Sume chế tạo ra một loại thuyền hình vuông có một cột cao gắn vải để nhờ sức gió di chuyển vượt các sông Tigris và Euphrates.

Tuy nhiên lúc ban đầu, người Sume không biết cách điều chỉnh hướng cánh buồm. Điều này để lại không ít bất tiện khi hướng gió không cùng với hướng đi của họ.

Lưỡi cày và bước đột phá nông nghiệp

Mô phỏng lưỡi cày của người Lưỡng Hà
Mô phỏng lưỡi cày của người Lưỡng Hà - (Ảnh: Wacom Gallery).

Do nằm ở vùng đồng bằng rộng lớn giữa 2 con sông, nông nghiệp vẫn là ngành cơ bản của nền văn minh Lưỡng Hà. Người dân nơi đây có nhiều phát minh cho nông nghiệp, một trong số đó là lưỡi cày.

Lưỡi cày đầu tiên được làm bằng gỗ, hình dạng đơn giản vào những năm 6.000 TCN.

Buổi ban đầu, dụng cụ thường dính đất đá khi cày xong nên phải dùng tay gỡ đất. Lưỡi cày cũng không hoạt động tốt trong khu vực cỏ mọc quá dầy. Dần dần, các cư dân Lưỡng Hà phát triển lưỡi cày cho hiệu quả tốt hơn.

Phát minh này đóng góp nhiều cho trồng trọt, đảm bảo cuộc sống nông nghiệp định thay vì hình thức du canh du cư.

Bản đồ

Một phần trong tấm bản đồ thế giới của người Babylon cổ đại
Một phần trong tấm bản đồ thế giới của người Babylon cổ đại - (Ảnh: Wikimedia).

Lưỡng Hà là vùng đất sử dụng bản đồ sớm nhất trên thế giới, trong đó bản đồ cổ nhất được phát hiện có niên đại khoảng 2300 năm TCN.

Bản đồ này được khắc trên đất sét, mô tả vùng đất Akkadian ở Lưỡng Hà. Bản đồ được sử dụng như bản đồ thành phố, dùng trong quân sự hay trong thương mại.

Dù là người phát minh nhưng trình độ làm bản đồ của người Lưỡng Hà không bằng người Hy Lạp, Roma sau này.

Bộ luật đầu tiên

Lưỡng Hà cũng là khu vực có những bộ luật sớm nhất ngay từ những năm 2200-2100 TCN. Những bộ luật này quy định các vấn đề thừa kế tài sản, nuôi con nuôi, thuế đất, bảo vệ nông sản, trách nhiệm của người chăn nuôi và những hình phạt cho nô lệ chạy trốn…

Bộ luật quan trọng nhất ở Lưỡng Hà cổ đại là luật Hammurabi thời vua Hammaura (1796 TCN - 1750 TCN) - vị vua thứ 6 của Babylon. Đây cũng là văn bản luật cổ nhất còn được bảo tồn tốt, có niên đại khoảng năm 1760 TCN.

Bộ luật này hiện chỉ còn lại một phần được khắc trên một bia đá cao khoảng 2,44m hiện được lưu giữ tại bảo tàng Louvre (Pháp). Đây là bộ luật cổ sớm nhất hầu như còn nguyên vẹn mà ngày nay đã phát hiện được.

Lưỡng Hà cũng là vùng đất diễn ra đô thị hóa đầu tiên (giai đoạn 4300-3100 TCN).

Cập nhật: 23/04/2018 Theo Tuổi Trẻ
  • 32
  • 13.174