Cứ nghĩ rằng khó có loài sinh vật nào tồn tại được trong những doi cát bỏng, giữa lòng những đụn cát hình thành và biến mất theo từng đợt gió biển, nhưng vẫn có những sinh vật thích ứng với môi trường khắc nghiệt ấy — một trong những bí mật của tự nhiên.
Khuất sau các đụn cát cao lớn sát biển là kiểu rừng tràm, rừng dầu hay rừng rụng lá trên nền cát. Đây là kiểu rừng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, tại khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Trong chuyến tham gia quay phim thực tế của hãng truyền hình Supereme Master TV với chương trình phát hơn 160 thứ tiếng trên toàn thế giới về loài nhông cát trinh sản Ngô Văn Trí – Leiolepis ngovantrii Grismer & Grismer, 2010, một trong mười loài động vật kỳ dị được khám phá vào năm 2010 được bình chọn bởi hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic) vào tháng 5 vừa qua, chúng tôi có điều kiện để kiểm chứng kỹ hơn về đời cát của nhiều loài sinh vật.
Tác giả cùng đoàn làm phim lúc vùi mình trong các đụn cát, lúc phơi mình trong cái nắng rát bỏng của vùng cát mới có thể ghi hình cận cảnh đời sống hoang dã của chúng.
Te vặt có thân hình mảnh khảnh, cao khoảng 30cm. Cơ thể chim trưởng thành có màu đen ở đầu cổ và ngực trên, tương phản với màu trắng bên dưới, có hai đốm trắng sau mắt và hai dải trắng chạy vòng sau cổ nối liền với phần bụng, mỏ đỏ với chóp màu đen, con trống có màu đỏ trên chỏm đầu, lưng nâu xám, cặp chân cao màu vàng.
Te vặt là một trong các loài chim ồn ào nhất của vùng cát. Tên gọi của chúng thật đúng với những âm thanh mà chúng phát ra: “te... te... vặt”. Te vặt thường sinh sống và làm tổ trên vùng cát hay những bãi cát xen giữa các sinh cảnh rừng. Khi canh giữ tổ trứng và lãnh địa, loài chim này không ngại va chạm với kẻ xâm nhập kể cả con người. Khi phát hiện kẻ lạ, chúng chao liệng kêu la inh tai chừng nào chán mới thôi!
Sả cổ trắng mặt lưng và đuôi có màu xanh biếc, cổ và bụng màu trắng, mỏ đen.
Đây là một trong những loài chim thường thấy ở rừng ngập mặn ven biển. Loài sả này chỉ kiếm ăn vào sáng sớm hay xế chiều. Với đôi mắt tinh tường, chúng có thể phát hiện chú cá nhỏ, chú nhái hay cào cào cách xa hàng trăm mét. Khi đã phát hiện, chỉ trong nháy mắt là con mồi nằm gọn trong mỏ chúng.
Rẽ mỏ to có kích thước gần gấp đôi chim te vặt, chiều cao thân 49 – 55cm. Tên gọi của chúng gắn liền với chiếc mỏ đen dài 7cm cong ngược lên trên. Màu sắc của rẽ mỏ to rất hoà hợp với màu cát: thân nâu xám với hai vệt đen hai bên cánh, mặt bụng và hông màu trắng xám nhạt. Đầu rẽ mỏ to có màu xám, có hai vệt màu trắng trên và dưới mắt, mỏ rộng đen gốc màu vàng. Không giống người hàng xóm te vặt ồn ào, rẽ mỏ to sống thành từng cặp, im lặng kiếm ăn trên cát. Với đôi chân cao ráo, chắc hẳn đây là loài chim nước về vùng đụn cát này để sinh sản. Những hình ảnh ghi được là duy nhất về loài chim này ở nước ta.
Nhông cát trinh sản Ngô Văn Trí trọng lượng chỉ 40 – 50g, thích ứng với kiểu rừng cây bụi hay trảng cỏ mọc trên nền cát mỏng 30 – 40cm.
Hang của chúng tương đối cạn, sâu chừng 15 – 30cm. Mặc dù đã trang bị lớp da dày có vảy để chống thoát hơi nước, nhưng nhông cát lúc nào cũng nhổng đầu lên để tránh sức nóng của vùng cát vào lúc nắng gắt, đôi khi chúng chỉ đứng trên ba chân, chân còn lại co lên tránh nóng.
Chúng thoắt ẩn thoắt hiện, khi thấy người hay kẻ thù đe doạ thì chui ngay xuống hang tạm thời của chúng trong lòng cát.
Khác với nhông cát trinh sản Ngô Văn Trí sống trong lớp cát mỏng của rừng tràm hay trảng cỏ, nhông cát Gut-ta lớn gấp nhiều lần, con đực có khi nặng 0,7kg với màu sắc sặc sỡ. Loài nhông này cần một không gian lớn hơn để đào hang sinh sống như các đụn cát cao 5 – 7m. Hang được đào sâu có khi hơn 1,5m với nhiều ngóc ngách và cửa hang phụ để tiện di chuyển và chạy trốn khi kẻ thù xâm nhập.
Còng cát có mai lớn nhất cũng chỉ 3 – 4cm. Toàn thân màu vàng cát. Khi tắt nắng là lúc chúng bắt đầu vo cát để tìm thức ăn. Với những chiếc chân dài, còng cát chạy rất nhanh vào hang hay xuống biển và biến mất dưới những con sóng nhấp nhô khi bị đuổi bắt hay thấy bóng người.