Dù khoa học có phát triển đến đâu, vẫn còn những bí ẩn chưa được khám phá trong những truyền thuyết cổ xưa.
Năm 2012 đã hóa giải một trong những bí ẩn luôn ám ảnh con người. Chẳng có chuyện tận thế gì như suy đoán khi giải mã lịch cổ Maya, và ngày 21/12/2012 hóa ra chỉ là sự chấm dứt để khởi đầu một vòng quay mới. Tuy nhiên, vẫn còn những bí ẩn khổng lồ khác đang chờ được khám phá:
Sử gia của Đại học Harvard, Karen King đã làm bùng nổ dư luận vào tháng 9/2012 với tin tức giật gân, rằng bà đã phát hiện một mẩu giấy cói dường như ghi lại lời của chúa Jesus đề cập đến “vợ của tôi”. Tuyên bố trên nhanh chóng khiến giới chuyên gia đặt câu hỏi về nguồn gốc thực sự của mảnh giấy này, và tòa thánh Vatican cho rằng đó chỉ là đồ giả mạo. Hầu hết các chuyên gia về phân tích nguyên bản đều tỏ vẻ hoài nghi.
Sử gia Karen King với mẩu giấy cói gây tranh cãi - (Ảnh: Harvard Gazette)
Tờ Harvard Theological Review đã rút lại kế hoạch công bố bài viết học thuật về mảnh giấy cói này trong ấn bản vào tháng 1 năm nay. Mới đây, phát ngôn viên của chuyên san trên cho hay vẫn chưa có kết quả phân tích về tính xác thực của tài liệu gây sốc này. Kênh Smithsonian cũng hoãn lại việc phát phim tài liệu xung quanh phát hiện mới, chờ kết quả thử nghiệm.
Vào tháng 2 năm ngoái, các chuyên gia tuyên bố đã sử dụng cánh tay robot gắn camera để nghiên cứu một bình đựng hài cốt bên trong ngôi mộ khóa kín dưới lòng đất sâu ở Jerusalem. Họ cho hay cái hộp được khắc hình một con cá, cũng như những văn tự ám chỉ từ “Jonah” và sự hồi sinh. Kết luận của các chuyên gia: các hình khắc này là chứng cứ cho thấy những người Thiên Chúa giáo đầu tiên đã được chôn trong mộ. Thế nhưng, những người hoài nghi lại không tin tưởng lắm về sự diễn dịch này, một phần do nhóm khảo cổ học trên từng gây tranh cãi với một tuyên bố động trời liên quan đến mộ của Jesus cách đây vài năm.
Vài tháng sau, các cuộc tranh cãi vẫn không hề lắng dịu. Một trong những người đứng đằng sau khám phá trên là James Tabor của Đại học Bắc Carolina (Mỹ). Ông này thừa nhận rằng cần phải tìm thêm chứng cứ, nhưng muốn đào được những hũ cốt đó lên cần phải đợi thêm thời gian.
Nhà nghiên cứu Angela Micol đã thu hút sự chú ý vào tháng 8 với tuyên bố giật gân, rằng hình ảnh trên Google Earth hé lộ những cấu trúc giống như kim tự tháp trên sa mạc ở Ai Cập. Bà cho rằng đó có thể là những khu vực chưa từng được biết đến, nhưng hóa ra các nhà khảo cổ học đã để mắt đến chúng, và họ đã nghiên cứu những nơi này. Một thông tin khác là Micol phát hiện về một mô đất có hình dáng kỳ lạ trên các bức ảnh của Google Earth, và đến nay vẫn chưa có thông tin cập nhật về vụ việc.
Liệu con người có thể làm sống lại một giống loài đã tuyệt chủng hàng chục ngàn năm? Nghi ngờ vẫn chất đầy nhưng điều đó không ngăn cản các chuyên gia Nga và Hàn Quốc nỗ lực hồi sinh voi ma mút. Dự án trên, đã được công bố hồi tháng 3/2012, bao gồm khôi phục các tế bào có thể tồn tại từ xác ma mút được bảo quản cực tốt trong băng tầng vĩnh cửu ở Siberia. Sau đó, họ cấy vật liệu di truyền của tế bào trên vào trứng voi, tạo nên phôi nhân bản, rồi chuyển phôi vào dạ con voi để khởi động quá trình thai nghén.
Vào cuối năm, tờ The Siberian Times đưa tin các mẫu tủy xương, tóc, cơ và tế bào mỡ đã được mang từ Yakutsk đến Seoul, nhằm xác định liệu các tế bào sống có thể được chiết xuất hay không. Và sự việc mới dừng lại đó.