Nỗi sợ hãi - vũ khí chống lại mối đe dọa của con người

  •  
  • 2.033

Nỗi sợ hãi là cơ chế tự nhiên của con người, giúp chúng ta chống lại hoặc tránh khỏi các mối đe dọa.

Ảnh hưởng của yếu tố văn hóa có thể khiến con người sợ hãi một số thứ, chẳng hạn như mèo đen hoặc chú hề giết người, nhưng cũng có những thứ gây ra nỗi sợ hãi phổ biến, Katherine Brownlowe, giám đốc Phòng Sức khỏe Hành vi thần kinh tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Ohio, Mỹ, cho biết.

"Thông thường, đó là những điều có thể giết chết bạn như độ cao, động vật, sét, nhện, ai đó chạy sau bạn trong một con hẻm tối", Brownlowe nói với Live Science.

Nỗi sợ hãi là cơ chế tự nhiên giúp con người phản ứng lại các mối đe dọa.
Nỗi sợ hãi là cơ chế tự nhiên giúp con người phản ứng lại các mối đe dọa. (Ảnh: Waking Times).

Sợ hãi trước hết là một cơ chế sinh tồn của con người. Khi các giác quan của chúng ta phát hiện nguồn gây ra mối đe dọa, não sẽ kích hoạt các phản ứng để chống lại hoặc tránh xa chúng nhanh nhất có thể. Đây là phản ứng của động vật có vú với tên gọi "chiến đấu hoặc bỏ chạy".

Hạch hạnh nhân (amygdala) trong thùy thái dương là khu vực kiểm soát nỗi sợ hãi của con người. Khi sự căng thẳng kích hoạt hạch hạnh nhân, nó tạm thời gạt bỏ suy nghĩ có ý thức của con người để cơ thể dồn toàn bộ năng lượng đối mặt với mối đe dọa.

"Việc giải phóng các hóa chất thần kinh và hormone là nguyên nhân làm tăng nhịp tim và hơi thở, máu dồn nhiều hơn tới các cơ bắp để bỏ chạy hoặc chiến đấu", Brownlowe giải thích.

Khi đối mặt với nỗi khiếp sợ, một số phản ứng trên cơ thể của tổ tiên thời xa xưa có thể không còn hữu ích cho chúng ta ngày nay. Ví dụ, lông trên cánh tay dựng đứng lên đi kèm với hiện tượng nổi da gà dường như không giúp chúng ta chống lại kẻ thù hoặc chạy trốn khỏi mối đe dọa. Nhưng tổ tiên của chúng ta được bao phủ đầy lông. Lông trên cơ thể dựng lên khiến họ trông lớn hơn và mạnh mẽ hơn.

Các phản ứng của cơ thể trong lúc chúng ta sợ hãi có mục đích làm tăng sự tỉnh táo.
Các phản ứng của cơ thể trong lúc chúng ta sợ hãi có mục đích làm tăng sự tỉnh táo.

Các phản ứng của cơ thể trong lúc chúng ta sợ hãi có mục đích làm tăng sự tỉnh táo, giúp cơ thể và não bộ tập trung vào việc giữ an toàn cho đến khi mối đe dọa không còn.

"Nếu tín hiệu chiến đấu hoặc bỏ chạy kết thúc, não giải phóng chất dẫn truyền thần kinh và hormone để làm giảm nhịp tim, hơi thở chậm lại, chấm dứt hiện tượng nổi da gà, giúp cơ thể cảm thấy thư giãn", Brownlowe nói.

Cập nhật: 04/11/2016 Theo VnExpress
  • 2.033