Một khối băng có diện tích hàng trăm km vuông đang trôi về phía xứ sở chuột túi.
CNN cho biết, Neal Young - một chuyên gia thuộc Cơ quan quản lý Nam Cực của Australia - phát hiện núi băng sau khi phân tích ảnh vệ tinh của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ. Nó dài khoảng 19 km và có diện tích chừng 140 km vuông. Khối băng được đặt tên B17B.
Cơ quan quản lý Nam Cực của Australia cho rằng B17B tách khỏi thềm băng Ross ở cực nam trái đất từ 10 năm trước và trôi nổi gần Nam Cực trước khi tiến về phía bắc. Ban đầu diện tích của nó lên tới 400 km vuông, nhưng sau đó nó tách thành nhiều tảng nhỏ hơn. Tính tới ngày 9/12 khối băng cách Australia khoảng 1.700 km về phía tây.
|
Ảnh vệ tinh cho thấy nhiều khối băng khổng lồ tách khỏi thềm băng Ross thuộc Nam Cực. B17B là khối băng thứ tư tính từ bên phải. Ảnh: AP. |
Theo dự đoán của Young, kích thước khối băng sẽ giảm khi nó dạt tới những vùng nước ấm gần bờ.
"Khi dạt vào vùng nước ấm, khối băng sẽ tan chậm, tạo nên hàng trăm khối băng nhỏ hơn", ông giải thích.
Nhiều nhà khoa học nói bình luận rằng sự xuất hiện của B17B là sự kiện độc nhất vô nhị trong suốt một thế kỷ qua.
Vào tháng 11, một khối băng có chiều rộng 500 m và chiều cao 50 m được phát hiện gần đảo Macquarie của Australia. Khi đó nó đang tiếp tục di chuyển về phía New Zealand.
Young cho rằng sự xuất hiện của những khối băng như B17B sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai do tình trạng ấm lên toàn cầu. Hiện tại Nam Cực cũng đang hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu như mọi nơi khác trên trái đất. Giới khoa học nói rằng, trong 50 năm qua nhiệt độ Nam Cực tăng thêm 2,5 độ C, gấp gần 6 lần mức tăng trung bình của địa cầu.