Nước mắt loài chuột và phát hiện bất ngờ khả năng "đánh hơi ké" mùi của kẻ đi săn

  •  
  • 930

Nếu bạn là con mồi, không bao giờ là thừa khi biết được tăm tích của “thợ săn”. Và phát hiện này gây bất ngờ cho giới khoa học.

Trong văn hóa giải trí, "lão chuột cống" thường là nhân vật nham hiểm, hung ác. Còn chuột nhắt là những ánh chàng lí lắc, phá phách nhưng chả ai ghét được, ví dụ như Jerry và Mickey đều là chuột nhắt cả đấy (dựa vào vóc dáng và đôi tai tròn trịa của chúng).

Nhưng đó chưa phải là tất cả mọi bí mật của 2 loài gặm nhấm này đâu.

Bên trái là chuột nhắt – con mồi nhỏ bé và bên phải là kẻ săn mồi chuột cống.
Bên trái là chuột nhắt – con mồi nhỏ bé và bên phải là kẻ săn mồi chuột cống.

Nước mắt của loài chuột

Bên cạnh con người, chỉ có "nước mắt cá sấu" là nổi tiếng nhất. Nhưng từ hôm nay bạn sẽ biết thêm về nước mắt loài chuột.

Bởi vì chuột cống "khóc" ra nước mắt có chứa pheromone.
Bởi vì chuột cống "khóc" ra nước mắt có chứa pheromone.

Đây là chất hóa học mà các loài động vật - đặc biệt là côn trùng và thú có vú - sẽ sản xuất và tiết ra môi trường nhằm giao tiếp với đồng loại của mình.

Sau khi có nước mắt, chuột cống đực dùng nó để... chải chuốt khắp bộ lông nhằm thu hút con cái.

Trên đường đi, loại chất này cũng lưu lại mùi mà chỉ có chuột mới đánh hơi được thôi.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những người bà con - đồng thời cũng là miếng mồi ngon của chuột cống – loài chuột nhắt bé tí teo có thể đánh hơi ra pheromone không?

Các nhà khoa học tại trường ĐH Tokyo đã thực hiện một thí nghiệm. Trong đó kẻ ăn thịt là loài chuột cống Na Uy (Rattus norvegicus) và con mồi là chuột nhắt nhà (Mus musculus). Cả hai loài này đều phổ biến tại các khu dân cư trên thế giới.

Thí nghiệm "ngửi mùi"

Trong thí nghiệm, ngay lập tức khi phát hiện ra mùi hương quyến rũ mà chuột đực để lại, chuột cống cái đã... hít ngửi thêm để tìm ra chủ nhân cái mùi đó.

Ngược lại, trong một trường hợp khác, các nhà khoa học quan sát thấy khi chuột nhắt đi vào "vùng nguy hiểm", nó ngửi mùi một lát rồi nhanh chóng ẩn nấp ngay.

Chuột cống ăn thịt chuột nhắt.
Chuột cống ăn thịt chuột nhắt.

Chuột nhắt hạn chế mọi cử động. Nhịp tim và thân nhiệt của chúng hạ xuống trong vòng 1 giờ đồng hồ. Sau đó chuột nhắt mới cẩn thận rút lui.

Như vậy có thể khẳng định chuột nhắt đã ngửi thấy mùi pheromone theo cách mà chuột cống không hề mong muốn. Các quan sát sâu hơn còn cho thấy: chuột nhắt rất có thể đã dựng hẳn lên một cơ chế phòng vệ trong não bộ khi ngửi được cái mùi nguy hiểm ấy.

Đây cũng là lần đầu tiên khoa học khám phá ra con mồi có thể "đánh hơi ké" mùi pheromone của kẻ đi săn.

Chuột cống (trái) và chuột nhắt (phải).
Chuột cống (trái) và chuột nhắt (phải).

Nhà động vật học Tristram Wyatt từ ĐH Oxford, đồng thời cũng là chuyên gia về pheromone, cho biết: "Phát hiện ở chuột nhắt là bằng chứng cho thấy sự tiến hóa của loài vật trong việc nghe hay ngửi thấy các loài khác trong môi trường sống".

Theo đó, nếu kẻ đi săn phát ra bất kì tín hiệu nào thì con mồi cũng buộc phải phát triển, tiến hóa để có thể nhận ra ngay tín hiệu đó. Ví dụ như loài bướm đêm đã phát triển tai để cảm nhận được sóng siêu âm của loài dơi và tránh xa chúng ra.

Giáo sư Kazusghige Touhara từ ĐH Tokyo - người dẫn đầu cuộc thí nghiệm trên loài chuột thì gọi đó là "trò chơi của thế giới động vật".

Hiện ông và đồng nghiệp vẫn tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu thêm cách sử dụng tín hiệu không lời trong giao tiếp cùng loài và kể cả liên loài vật.

Cập nhật: 09/04/2018 Theo helino
  • 930