Ong đánh nhau tới chết vì... tình

  •  
  • 1.648

Bình thường các chàng ong Dawson - một trong những loài ong đất lớn nhất thế giới - đối xử rất hòa thuận với nhau, tuy nhiên đến mùa sinh sản, chúng sẵn sàng tiêu diệt lẫn nhau để... giành bạn tình. 

Cuộc tàn sát lẫn nhau. Ảnh: BBC

Ong Dawson làm tổ dưới đất và sở hữu nọc độc gần giống nọc của rắn hổ mang. Nọc ong Dawson rất độc nên một người to khỏe có thể chết nếu bị 5 con đốt cùng lúc.

Số lượng cá thể đực của ong Dawson lớn hơn nhiều so với ong cái. Ngoài ra chúng cũng trưởng thành sớm hơn. Vì thế vào mùa sinh sản, những con đực buộc phải theo đuổi một trong hai chiến thuật để có cơ hội giao phối với con cái: tìm tới những khu vực mà ong cái kiếm mật hoặc “lượn lờ” xung quanh lối vào tổ của các “nàng” (ong đực có kích thước nhỏ thường áp dụng chiến thuật này), hoặc xông thẳng tới lối vào tổ của ong cái để thực hiện hành vi giao phối ngay khi các “nàng” chui ra khỏi tổ. 

Kết cục của kẻ thất thế. Ảnh: BBC

Trong lúc theo dõi một tổ ong đất tại Úc, các nhà làm phim tài liệu về thiên nhiên của chương trình BBC Life đã ghi lại một trận hỗn chiến giữa các con ong Dawson đực. Khi một con cái xuất hiện, các con đực đồng loạt xông tới để tiếp cận mục tiêu. Chúng tìm mọi cách cắn và đốt lẫn nhau để triệt hạ đối thủ. Hậu quả là một cuộc tàn sát khủng khiếp diễn ra với nhiều ong đực mất mạng hoặc bị thương nặng.

Thông thường chỉ có một con đực còn sống sót sau cuộc hỗn chiến để giao phối với con cái. Nhưng đôi khi do dư âm của cuộc chiến vẫn còn nên kẻ chiến thắng có thể giết chết con cái mà chúng phải liều mạng mới giành được.

Một điều nghịch lý là trong phần lớn thời gian trong năm, ong Dawson đực đối xử rất hòa thuận với nhau. Theo một số nhà khoa học, khi mùa sinh sản trôi qua, tất cả ong đực sẽ giết lẫn nhau khiến phần lớn chúng chết hoặc tàn phế, để lại những tổ gồm toàn ong cái và thế hệ ong tương lai.

Ong Dawson thuộc nhóm ong Amegilla (gồm khoảng 250 loài ong có thân lớn). Một số loài trong nhóm này có vai trò quan trọng đối sản xuất nông nghiệp ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới.

Theo Tuổi Trẻ (BBC)
  • 1.648