Sâu ban miêu có chất cantharidin cực độc, làm hủy hoại protein, hoại tử ruột, suy đa phủ tạng, hầu hết bệnh nhân tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết những trường hợp bị ngộ độc sâu ban miêu tình trạng rất nặng nề. Hầu hết bệnh nhân tiếp xúc với sâu này qua đường tiêu hóa, bị tổn thương đa tạng, suy đa tạng, tỷ lệ tử vong hơn 50%.
Bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu thường bị tổn thương đa cơ quan, tụt huyết áp, suy hô hấp. Xét nghiệm máu cho thấy trong máu bị nhiễm axit nặng, tổn thương cơ và suy thận, suy gan.
"Độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, rất độc, hủy hoại protein. Cứ 1mg cantharidin khi vào cơ thể đủ để gây ngộ độc, 10mg sẽ khiến nạn nhân tử vong", bác sĩ Nguyên nói.
Sâu ban miêu.
Độc tố của sâu ban miêu tiết ra gần giống dịch từ kiến ba khoang, nếu dính vào tay cầm và lỡ bôi vào mắt, dụi mắt sẽ làm bỏng rát, tổn thương giác mạc. Cantharidin vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ngộ độc nặng, tổn thương dạ dày và ruột, đau bụng nôn mửa, chảy máu đường tiêu hóa, hoại tử ruột.
Chỉ tiếp xúc sâu qua da như dùng tay bắt trực tiếp, đường hô hấp (mở bao đựng sâu ra hít phải hơi) cũng đủ gây dị ứng trầm trọng, nhất là những người da mỏng, có vết thương hở. Hơi độc từ sâu bay vào mắt sẽ có cảm giác cay, bỏng rát.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, vài năm gần đây tiếp nhận gần chục bệnh nhân bị ngộ độc sâu ban miêu ở mức độ rất nặng. Mới đây, Trung tâm Chống độc cấp cứu 4 người trong một gia đình ở Thanh Hóa bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu.
Bốn người này đã rang ăn những con bọ có cánh bắt được ở cây ngô, không biết là sâu ban miêu. Sau khi ăn khoảng 20-30 phút, họ bị đau rát cổ họng, đau bụng, nôn mửa, nôn ra dịch máu, đại tiện phân lỏng. Các bệnh nhân được đưa vào bệnh viện tỉnh Thanh Hóa cấp cứu trong tình trạng đã bị suy thận, toan chuyển hóa nên chuyển tiếp đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Hai bệnh nhân đã tử vong sau đó, một bị nhiều biến chứng như suy thận, viêm phổi, viêm gan, chỉ một người được cứu sống.
Theo bác sĩ Nguyên, y khoa thế giới chưa có phác đồ điều trị hiệu quả cho trường hợp ngộ độc sâu ban miêu. Quá trình điều trị thực tế tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất hiện có cũng như khả năng hồi sức của cơ sở y tế và tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Chi phí điều trị rất tốn kém. Hầu hết bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong.
Sâu ban miêu có tên khoa học Cantharis vesicatoria, còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao. Đây là loài sâu có cánh cứng như bọ, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15-20 mm, ngang 4-6 mm, đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân sâu có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên hai cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.
Bác sĩ Nguyên cảnh báo người dân không nên bắt sâu ban miêu để phòng ngộ độc, tuyệt đối không ăn sâu ban miêu. Nếu tiếp xúc với sâu ban miêu và bị chất độc gây bỏng rát, đỏ rộp da hay mắt, cần rửa khu vực bỏng rát bằng nước sạch, chớp mắt liên tục, sau đó đến bệnh viện điều trị ngay.
Dễ nhầm sâu ban miêu với bọ xít
Dù có các cảnh báo, hàng năm đều có các nạn nhân nhập viện vì ăn sâu ban miêu. GS.TSKH Vũ Quang Côn, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, sâu ban miêu khi nhìn dọc thân, chúng có bộ cánh như bộ áo của thầy cúng nên người ta gọi đó là con thầy cúng. Ban miêu có nhiều loài, nhưng phổ biến nhất là ban miêu đen. Sâu ban miêu hại cây cối, chúng là loài chứa rất nhiều chất độc, các chất độc này nếu con người tiếp xúc phải, nhẹ thì gây rộp da, bỏng, nặng thì có thể tử vong.
Sâu ban miêu chứa chất kịch độc có thể gây tử vong nếu ăn phải.
Nhận biết sâu ban miêu không khó. Sâu ban miêu có đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt, hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen. Sâu ban miêu thường sống trên các cây đậu, do đó còn có tên là sâu đậu, hoặc sống trên các cây độc khác như cây cà độc dược.
Để phân biệt được sâu ban miêu hay bọ xít thì chỉ cần quan sát, nếu con bọ xít có tam giác ở lung và có vòi thì sâu ban miêu không có. Sâu ban miêu thì thân màu đen, đầu màu đỏ. Vì có nhiều chất độc nên trong Đông y, người ta sử dụng sâu ban miêu như một vị thuốc trị bệnh.
GS.TSKH Vũ Quang Côn cho biết, các loài sâu ban miêu đều có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15 - 20mm, ngang 4 - 6mm. Có đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.