Theo tin của Bảo tàng Tần Thủy Hoàng cung cấp, gần đây, các nhà khảo cổ khai quật ở khu tùy táng K9801, có diện tích hơn 13.000 mét vuông ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã phát hiện những dấu tích cho thấy, khu vực này không khác gì một "Bảo tàng vũ khí".
>>> Giả thuyết mới về đội quân đất nung Tần Thủy Hoàng
Lăng “Tần Thủy Hoàng” được coi là một lăng mộ lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những cấu trúc lăng tẩm kỳ dị nhất trong lịch sử loài người. Nó nằm sâu dưới lòng đất tại một ngọn đồi ở miền trung của Trung Quốc hơn 2000 năm nay, bao quanh bởi một con hào chứa đầy thủy ngân. Ngôi mộ nắm giữ bí mật của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, người qua đời vào năm 210 trCN, sau khi đã thống nhất 6 tiểu quốc thành một nước Trung Quốc duy nhất.
Khu vực tùy táng K9801, nằm ở giữa 2 lớp thành bên trong và bên ngoài, cách lăng khoảng 200 mét về phía đông nam, hình chữ nhật bằng phẳng, phần chính chiều dài theo trục Đông - Tây là 130 mét, chiều rộng trục Bắc - Nam 100 mét, tổng diện tích hơn 13.000 mét vuông, là khu tùy táng lớn nhất được tìm thấy trong khu vục lăng Tần Thủy Hoàng từ trước đến nay.
Các nhà khảo cổ đã khai quật được một số lượng lớn các mũ trụ bằng đá và áo giáp được làm bằng đá, đan bằng lưới đồng xếp chồng chất lên nhau, áo giáp gồm 87 chiếc, mũ trụ là 43 chiếc.
Các chuyên gia phân tích, kỹ thuật chế tạo áo giáp phải kết hợp với công nghệ chế tác bảo khí tại thời điểm đó: đầu tiên là kỹ thuật chế tác đá phiến thành phôi giáp, sau đó mài giũa thành hình mảnh giáp, tiếp tục khoan và đánh bóng rồi kết lại bằng tơ đồng mới được 1 chiếc áo giáp.
Thông qua các thực nghiệm, nếu một người gia công bằng tay để làm được một chiếc áo giáp, với 600 mảnh, thời gian làm việc trung bình 8 giờ một ngày, bạn cần phải làm việc từ 344 đến 444 ngày mới hoàn thành. Điều này có nghĩa là để làm ra một chiếc áo, phải mất thời gian ít nhất là một năm.
Mũ trụ và áo giáp trong khu tùy táng ước tính được kết thành từ hơn năm triệu mảnh đá, điều đó cho thấy cần phải sử dụng một số lượng lớn nhân công mới làm được. Ước tính khoảng 700.000 tù nhân chiến tranh và nô lệ đã tham gia vào việc xây dựng công trình phức tạp và không thấm nước này. Sau đó, họ đã bị giết chết để không làm lộ bí mật về lăng mộ.
Theo sử sách, trong khu địa đạo khổng lồ này sẽ có hàng nghìn áo giáp, mũ trụ bằng đá. Hiện nay, có hai hố đã khai quật chứa dây cương xe ngựa, các bộ phận chế tạo xe ngựa và rìu làm bằng đồng, mũi tên và vật phẩm chế tạo đồ quân sự khác. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nên gọi khu tùy táng Lăng Tần Thủy Hoàng này là kho vũ khí dưới lòng đất.
Theo sách sử Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng sinh năm 259 trước CN, là con đầu của vua nước Tần, một trong 6 tiểu quốc thời Trung Quốc cổ đại. Các nước nhỏ này đã hỗn chiến với nhau trong hơn 200 năm, sau đó Tần Thủy Hoàng đã chinh phục tất cả và thống nhất thành một nước Trung Quốc duy nhất, tự xưng là hoàng đế.
Khi qua đời, Tần Thủy Hoàng được chôn cất ở một trong những lăng mộ hoành tráng nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc. Đó là một tổ hợp lăng tẩm, cung điện với kích thước lớn hơn một thành phố, gồm những hang động ngầm chứa đầy đủ quân đội, thê thiếp, người hầu và những "tiện nghi" mà vị hoàng đế cần cho thế giới bên kia.
Ngày nay, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng đã trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch và các học giả từ khắp nơi trên thế giới và những bí mật bên trong ngôi mộ của vị hoàng đế này vẫn đang được khám phá.