Phát hiện côn trùng phải đổi màu vì con người

  •  
  • 104

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện loài ruồi đá đuôi dài bản địa ở New Zealand buộc phải thay đổi màu sắc cơ thể để sinh tồn ở những khu vực bị phá rừng nặng nề.

Ruồi đá đuôi dài Zelandoperla từng có chiến lược thông minh để tránh bị chim săn mồi là bắt chước hình dạng của một họ hàng là loài ruồi đá độc Austroperla. Loài ruồi đá Austroperla sống chủ yếu trong các khu rừng rậm, cảnh báo những kẻ muốn săn chúng bằng cách tiết ra chất độc xyanua.

 Ruồi đá Zelandoperla màu đen (ở giữa) ngụy trang giống ruồi đá Austroperla (trái)
Ruồi đá Zelandoperla màu đen (ở giữa) ngụy trang giống ruồi đá Austroperla (trái) để tránh kẻ săn mồi và tiến hóa thành màu sáng hơn (phải) để thích nghi với môi trường mới - (Ảnh: University of Otago)

Dù không có độc nhưng ruồi đá đuôi dài Zelandoperla có thể bắt chước hình dáng của ruồi đá Austroperla một cách khá thuyết phục bằng cách sử dụng bộ dụng cụ di truyền của nó, vốn có thể khiến một số loài côn trùng có màu đen như gỗ mun.

Lớp ngụy trang này giúp chúng tránh các loài chim săn mồi do chúng không thể phân biệt được đâu là ruồi đá có độc thật và đâu là ruồi đá không độc đã ngụy trang.

Tuy nhiên mới đây, nhóm nghiên cứu từ Đại học Otago (New Zealand) phát hiện ruồi đá Zelandoperla tại các khu vực bị phá rừng đã đổi qua cách khác để sinh tồn.

"Austroperla sống trong rừng, cạnh các dòng suối, ăn lá cây và gỗ mục. Tại những khu rừng bị tàn phá, Austroperla sẽ ít phổ biến hơn do thiếu hụt nguồn thức ăn. Để sinh tồn, ruồi đá Zelandoperla buộc phải bỏ chiến lược bắt chước Austroperla, thay vào đó chúng tiến hóa thành một màu sắc khác", nhà động vật học Jon Water cho biết.

Theo trang ScienceAlert ngày 11-11, nhóm nghiên cứu đã kết hợp quan sát thực địa, thí nghiệm săn mồi và phân tích bản đồ gene để chỉ ra phản ứng của loài côn trùng này trước sự thay đổi do con người gây ra.

Trong thử nghiệm với các mô hình có màu sắc khác nhau của Zelandoperla, nhóm phát hiện chim săn mồi chỉ tấn công những con ruồi đá không ngụy trang trong môi trường rừng rậm. Trong môi trường rừng bị tàn phá, chúng ít tìm kiếm ruồi đá màu sáng hơn so với ruồi đá màu gỗ mun.

Nghiên cứu này công bố trên tạp chí Science.

Cập nhật: 12/11/2024 Tuổi Trẻ
  • 104