Hài cốt của một người phụ nữ thời Trung cổ đã được phát hiện gần Bologna, cạnh hài cốt tí hon của bào thai cô đã sinh trong mộ.
Các chuyên gia đến từ Đại học Ferrara, những người tìm thấy hai bộ hài cốt, tin rằng chúng có niên đại từ thế kỉ thứ 7 hoặc 8 SCN.
Phân tích ban đầu cho rằng người phụ nữ này đã mang thai 38 tuần vào lúc qua đời, và rằng đứa trẻ đó bị “ép ra đời” trong quan tài sau khi người mẹ mất.
Hài cốt có niên đại từ thế kỉ 7 hoặc 8 SCN - (Ảnh từ Pansini et al./ World Neurosurgery).
Vụ sinh con kì lạ này xảy ra khi khí ga tích tụ trong cơ thể trong quá trình phân hủy, khiến bào thai bị đẩy ra ngoài. Tuy nhiên, quá trình này không được hiểu đầy đủ.
Nói chuyện với Forbes, Tiến sĩ Jen Gunter, một bác sĩ phụ khoa ở San Francisco, không tham gia nghiên cứu, giải thích: “Cổ tử cung sẽ không giãn ra cùng việc tử vong sau khi hiện tượng co cứng tử thi biến mất. Tôi nghi ngờ rằng lúc đó áp suất từ khí ga tích tụ lại, và cái thai chết được sinh ra qua một chỗ gãy – về cơ bản nó tạo một cái lỗ qua tử cung vào âm đạo, vì âm đạo mỏng hơn cổ tử cung nhiều”.
Hài cốt của bào thai - (Ảnh từ Pasini et al./ World Neurosurgery).
Người phụ nữ này cũng có một vết cắt lạ trên trán, bên cạnh có một cái lỗ.
Các nhà nghiên cứu tin điều này ám chỉ cô ấy có lẽ đã thực hiện một dạng phẫu thuật não cổ gọi là khoan sọ.
Người phụ nữ có vết cắt lạ trên trán, bên cạnh là một cái lỗ - (Ảnh từ Pansini et al./ World Neurosurgery)
Trên tạp chí World Neurosurgery, các nhà nghiên cứu do Alba Pasini đứng đầu, có viết: “Xét tới những đặc điểm của vết thương và thai kì giai đoạn cuối, chúng tôi cho rằng thai phụ này mắc phải chứng tiền sản giật hoặc sản giật, và cô đã được điều trị bằng phương pháp khoan sọ trước để giảm bớt áp suất trong sọ”.
Các nhà nghiên cứu hi vọng rằng các phân tích sâu hơn sẽ làm sáng tỏ hơn chuyện xảy ra với người phụ nữ, cũng như đưa tới kiến thức rộng hơn về sức khỏe và bệnh tật thời cổ đại.