Những phát hiện xác định nguồn gốc loài người

  •   4,52
  • 14.131

Benjamin Franking King, Jr đã từng nói: “Có vẻ như loài người chúng ta đang sống trong sự mơ hồ, trôi dạt vô định trong không gian từ một nơi nào đó đến đây. Chẳng ai biết nguồn gốc của chúng ta từ đâu, và loài của chúng ta sẽ còn đi đến đâu nữa”.

Vào đầu thế kỷ 19, nhà tự nhiên học người Pháp Jean Baptiste Lamarck sau khi nghiên cứu các hóa thạch đã đưa ra lập luận rằng, các loài sinh vật thay đổi hành vi của chúng nhằm phản ứng lại các biến đổi trong môi trường sống, từ đó dẫn đến các thay đổi trong cấu tạo thể chất (ví dụ như loài hươu cao cổ “kéo” cái cổ của chúng dài ra để với lá cây trên cao).

Giữa thế kỷ 19, Alfred Russel Wallace và Charles Darwin, 2 nhà nghiên cứu người Anh, đã cùng lúc nhưng độc lập với nhau đưa ra các ý tưởng về quá trình tiến hóa: mặc dù các cá thể của cùng một loài có đa số các đặc điểm giống nhau, tuy nhiên vẫn có một vài cá thể mang một vài khác biệt có lợi hơn về mặt sinh tồn. Nếu các cá thể này sinh sản thì những khác biệt có lợi này sẽ được duy trì và trở thành đặc điểm khác biệt ở những thế hệ sau.

Qua nhiều nghiên cứu, phát hiện và chỉnh sửa, các nhà khoa học đã dần làm sáng tỏ và từ đó đưa ra những giả thiết với các chứng cứ khoa học xác thực về lịch sử tiến hóa của loài người. Bài được tổng hợp và đăng tải trên tạp chí Discovery.

Hóa thạch người Neanderthal 1856

Năm 1856, lần đầu tiên một hóa thạch được các nhà khoa học xác định là hóa thạch của người tiền sử được phát hiện ở Neander Valley (Đức). Nhưng đây không phải là hóa thạch đầu tiên được khai quật. Trước đó, vào các năm 1829 và 1848 người ta đã phát hiện các hóa thạch tương tự, nhưng lại không để ý đến tầm quan trọng của nó.

Những hóa thạch này rất quan trọng, chúng cho thấy người Neanderthal sống cách đây chỉ từ 200.000 đến 28.000 năm, có nghĩa là họ sống cùng niên đại với người hiện đại. Khi so sánh với các giống người tiền sử khác, các nhà khoa học còn thấy người Neanderthal có bộ não lớn tương đương với người hiện đại; và có các bằng chứng cho thấy họ đã biết sử dụng công cụ, biết săn bắn, xây dựng chỗ trú ẩn và may quần áo. Họ còn biết trang trí các đồ tạo tác như một thú vui chứ không chỉ đơn thuần lo lắng cho sự sinh tồn. Hơn nữa họ cũng có tập tục chôn người chết và thỉnh thoảng còn trang hoàng cho các ngôi mộ.

Hóa thạch người đứng thẳng (Homo erectus) 1891

Hóa thạch cổ nhất thuộc họ người được phát hiện ở Châu Phi, tuy nhiên hóa thạch quan trọng kế tiếp lại được khai quật ở một lục địa khác. Vào năm 1891, mẫu hóa thạch tìm thấy ở Indonesia đã được xác định là hóa thạch họ người cổ nhất không thuộc Châu Phi. Hóa thạch này được xác định là của họ người thẳng đứng (Homo erectus) sống cách đây khoảng 1,89 triệu – 70.000 năm. Các hóa thạch có liên quan sau đó đã được tìm thấy ở Châu Phi và các khu vực khác của Châu Á.

Theo các bằng chứng nghiên cứu, họ người đứng thẳng đã phát triển một số đặc điểm giống với người hiện đại như chân tương đối dài, tay ngắn – đây có thể là do họ đã không còn thói quen leo cây thường xuyên nữa. Lỗ mũi rất lớn, và có một chút thay đổi so với các họ người khác, đó là mũi hướng xuống. Sự khác biệt về kích cỡ của giống đực và giống cái cũng giảm bớt. Ngoài ra họ người này cũng có những hành vi tương tự như người hiện đại. Họ biết sử dụng lửa để chế biến thức ăn, sưởi ấm và để tự vệ.

Hóa thạch của bé Taung 1924

Mặc dù đã có bằng chứng cho thấy họ người cổ xưa nhất sinh sống ở Châu Phi, nhưng phải đến năm 1924 người ta mới phát hiện được hóa thạch đầu tiên của tổ tiên lâu đời nhất của chúng ta ở lục địa này. Hóa thạch được đặt tên là “đứa trẻ Taung” được phát hiện ở Nam Phi. Đây là hóa thạch của một đứa bé sống cách đây khoảng 2,8 triệu năm. Những dấu móng vuốt và mỏ của chim đại bàng còn lại trên hộp sọ cho biết đứa bé này thiệt mạng do bị con chim này tấn công. Taung thuộc họ Australopithecus africanus, và vào thời điểm được khai quật, nó là bằng chứng đầu tiên của việc đi thẳng đứng của tổ tiên chúng ta.

Hóa thạch của "anh chàng khéo tay” 1960

Năm 1960, các nhà khoa học khai quật được một hóa thạch chưa từng được biết đến trước đó ở Tanzania, và trong quá trình khai quật, họ đã phát hiện một số công cụ bằng đá. Hóa thạch này sau đó được đặt tên là Homo habilis, có nghĩa là “anh chàng khéo tay”. Kích thước hộp sọ của hóa thạch cho thấy “anh chàng” này có một bộ não khá lớn, cùng với các dụng cụ của anh ta, các nhà khoa học cho rằng Homo habilis là họ người cổ đầu tiên biết sử dụng công cụ và chế tác đồ thủ công.

“Anh chàng khéo tay” này sống cách đây khoảng 2,3 – 1,6 triệu năm. Tuy nhiên, kể từ năm 1960 trở đi, người ta lại phát hiện một số công cụ đá có niên đại cổ hơn nữa. Do đó Homo habilis có thể không phải là giống người đầu tiên biết sử dụng công cụ.


Hóa thạch của Lucy 1974

Có lẽ đây là hóa thạch nổi tiếng nhất trong số các hóa thạch về tổ tiên loài người từng được phát hiện. Lucy được phát hiện vào năm 1974 ở Ethiopia. Nguồn gốc tên gọi của hóa thạch này khá lãng mạn. Các nhà khoa học đã đặt cho mẫu vật này một cái tên rất “người” – Lucy – bởi vì trong lúc khai quật, họ thường mở một băng nhạc của Beatles, trong đó có bài “Lucy in the Sky with Diamonds”.

Lucy thuộc họ Australopithecus afarensis, sống cách đây khoảng 3,85 – 2,95 triệu năm. Có khoảng hơn 300 hóa thạch cùng loại đã được phát hiện, vì thế Australopithecus afarensis trở thành một trong những nguồn dữ liệu về người cổ dồi dào nhất cho các nhà nghiên cứu.

Hóa thạch này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì vào thởi điểm được khai quật - năm 1974 – Lucy là đại diện đầu tiên cho việc di chuyển bằng 2 chân của tổ tiên chúng ta, mặc dù cô nàng vẫn giỏi leo trèo và có cấu trúc khuôn mặt cũng như kích thước bộ não nhỏ như loài khỉ không đuôi.

Hóa thạch Orrorin tugenensis 2000

Vào năm 2000, một hóa thạch người cổ được phát hiện ở Kenya được xác định sống cách đây khoảng 6 triệu năm. Hóa thạch thuộc giống Orrorin tugenensis này chẳng những là hóa thạch có tuổi thọ cao nhất được phát hiện, mà còn có những dấu hiệu cho thấy thỉnh thoảng nó có thể đi thẳng người. Một phát hiện làm các nhà nghiên cứu vô cùng sửng sốt nữa là, hóa thạch này cho thấy loài này có ngón tay cái có thể cử động về phía đối diện so với các ngón tay khác trên bàn tay. Trước đây, việc ngón tay cái có thể cử động đối diện với các ngón khác được cho là có liên quan đến khả năng biết sử dụng công cụ, nhưng khi điều này được phát hiện ở Orrorin tugenensis thì lập luận này không còn vững chắc nữa.

Hóa thạch Ardi 2009

Năm 2009, một hóa thạch được khai quật ở Ethiopia đã hé mở cho các nhà khoa học thấy cách tổ tiên của chúng ta sinh sống. Ardipithecus ramidus (gọi ngắn gọn là Ardi) là một “hàng xóm” về mặt địa lý và thời gian với Lucy, sống cách đây khoảng 4,4 triệu năm. Tên gọi của hóa thạch này có nghĩa là “mặt đất” hay “gốc rễ”, hàm ý chỉ giống khỉ không đuôi sinh sống trên mặt đất, mà cũng hàm ý là điểm cơ bản khởi nguồn trong cây phả hệ của họ người.

Ardi mang các đặc điểm của khỉ không đuôi như các ngón tay dài và cong, bàn chân có ngón cái có thể di chuyển sang phía đối diện so với các ngón còn lại (rất thuận tiện cho việc leo trèo trên cây). Mặc khác, hình dáng khung xương chậu và xương bàn chân cho phép nó có thể đi thẳng người. Tuy nhiên, cũng có tranh cãi quanh hóa thạch quan trọng này. Đó là các hóa thạch cây cối được tìm thấy cùng với Ardi cho biết “cô nàng” sinh sống trong rừng. Trước đây các nhà khoa học vẫn cho rằng việc chuyển sang dáng đi thẳng của tổ tiên chúng ta là do có sự thay đổi môi trường sống, từ rừng rậm sang đồng bằng. Do đó, các phát hiện liên quan đến Ardi đã làm lung lay giả thiết này.

Các công cụ bằng đá được phát hiện năm 2010

Năm 2010, sau một nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện rằng “anh chàng khéo tay” Homo habilis không phải giống người đầu tiên biết sử dụng công cụ. Các hóa thạch xương động vật 3,4 triệu năm tuổi được tìm thấy ở Ethiopia đã tiết lộ những dấu vết biến dạng như bị đập vỡ hoặc bị chặt đứt - những dấu vết này được cho là do tác động của các công cụ của người săn được chúng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, Lucy và gia đình họ hàng của cô ấy, họ Australopithecus afarensis, đã sử dụng các công cụ tự chế để chế biến thức ăn. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy loài này biết chế tạo công cụ phục vụ cho việc săn bắn hay các hoạt động khác.

Dự án gen của người Neanderthal 2010

Từ ngón cái nằm về đối diện, đến việc đi thẳng người, rồi việc biết cách dùng lửa, liệu có sự khác biệt nào về mặt di truyền giữa các tổ tiên của chúng ta chăng? Để trả lời câu hỏi này, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã cùng tiến hành một dự án khó khăn và phức tạp, đó là nghiên cứu ADN của người hiện đại và giống người Neanderthal. Họ đã phân tích các mẫu ADN của 3 mẫu xương người Neanderthal tìm thấy ở Croatia và so sánh kết quả với 5 mẫu ADN của người hiện đại ở Nam Phi, Tây Phi, Papua New Guinea, Trung Quốc và Tây Âu.

Việc phân tích các mẫu vật này rất phức tạp, một phần do các hóa thạch xương người Neanderthal đã bị nhiễm tạp do sự tấn công của các vi sinh vật và do sự tác động của con người trong quá trình khai quật và bảo quản.

Sau khi phân tích, các nhà khoa học phát hiện có khoảng 1-4% các gen của người hiện đại Châu Âu và Châu Á có liên hệ với người Neanderthal. Còn mẫu ADN của người Châu Phi lại không cho thấy sự liên hệ nào với người Neanderthal. Các kết quả này đã phủ nhận lại những giả thiết trước đây về sự phân ly của các giống người, thay vào đó nó dẫn tới một giả thiết rằng có thể có sự giao phối chéo giữa một số họ người cổ với người Neanderthal.

Phát hiện mới nhất 2010


Hang động nơi các hóa thạch mới nhất được phát hiện.

Trong một đợt khai quật một hang động ở Nam Phi năm 2010, các nhà khoa học đã phát hiện được một số hóa thạch. Các mẫu vật được phát hiện bao gồm một số phần còn sót lại của một phụ nữ và một đứa bé trai khoảng 2 triệu năm tuổi, ngoài ra còn có xương của một đứa bé sơ sinh và một phụ nữ trưởng thành khác. Các hóa thạch này được đặt tên là Australopithecus sediba, chúng cho thấy giống người này cao và khỏe mạnh hơn giống người của Lucy, với 2 chân dài cho biết giống người này di chuyển bằng 2 chân và có sải bước dài hơn so với các giống người trước đó.

Tranh cãi xuất hiện trong giới nghiên cứu về việc phân nhóm các hóa thạch này. Mặc dù ban đầu chúng được xếp vào giống Australopithecus, nhưng một số nhà nghiên cứu lại cho rằng các hóa thạch này có các đặc điểm gần với loài của chúng ta hơn - Homo sapiens, và vì vậy nên xếp chúng vào giống Homo.

Còn nhiều hóa thạch chưa được phát hiện, cộng với công nghệ hiện đại và các nghiên cứu phân tích sâu hơn trong tương lai chắc chắn sẽ ngày một làm sáng tỏ lịch sử nguồn gốc của loài người chúng ta.

Theo Vietnamnet
  • 4,52
  • 14.131