Phát hiện loài chuột chù voi tí hon sau 50 năm biến mất

  •  
  • 597

Các nhà khoa học đã tìm thấy các cá thể chuột chù voi Somalia tí hon ở Djibouti sau hơn 50 năm loài này được cho là đã biến mất.

Guardian hôm 18/8 cho biết các nhà khoa học đã tìm thấy loài chuột chù voi tí hon Somali ở vùng Sừng châu Phi sau hơn 50 năm biến mất. Lần cuối cùng các nhà khoa học quan sát thấy loài này là vào năm 1968.

Chuột chù voi Somali còn gọi là sengi Somali (Elephantulus revoilii) là loài vật đặc hữu của Somalia, được biết đến với chiếc mũi dài như voi, mắt to như dơi, đôi chân cao nhỏ và những cú nhảy nhanh nhẹn.

Chuột chù voi Somalia chỉ kết đôi với một con vật khác giống trong cuộc đời. Loài này có thể chạy với tốc độ 30 km/h, ăn kiến bằng chiếc mũi dài như chiếc vòi của mình. Chuột chù voi Somalia có một túm lông ở đuôi, giúp phân biệt chúng với các loài chuột chù voi khác.

Chuột chù voi Somalia.
Chuột chù voi Somalia. (Ảnh: Global Wildlife).

Được người dân địa phương thông báo, các nhà khoa học đã đi tới Djibouti để tìm kiếm loài động vật từng được cho là đã hoàn toàn biến mất. Dựa vào các kiến thức đã được biết tới về loài chuột chù voi, các nhà khoa học đã đặt bẫy ở những vị trí tiềm năng, sử dụng mồi là bơ đậu phộng, bột yến mạch và nấm men.

Ngay từ những chiếc bẫy đầu tiên ở khu vực có địa hình khô, các nhà khoa học đã tìm thấy một con chuột chù voi Somalia, với đặc điểm nhận dạng là chùm lông đuôi, giúp phân biệt chúng với các loài chuột chù voi khác.

"Điều này thật tuyệt vời. Khi mở chiếc bẫy đầu tiên và nhìn thấy chùm lông nhỏ trên đuôi của nó, chúng tôi chỉ nhìn nhau và không dám tin vào mắt mình. Nhiều cuộc tìm kiếm đã được tiến hành ở Djibouti từ năm 1970 nhưng không tìm thấy loài chuột chù voi Somalia", Steven Heritage, nhà khoa học từ Đại học Duke, Mỹ, cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã đặt hơn 1.000 bẫy ở nhiều địa điểm khác nhau, và tìm thấy tổng cộng 12 cá thể chuột chù voi Somalia. "Việc phát hiện sự tồn tại của loài chuột chù voi trong tự nhiên là bước đầu tiên trong công tác bảo tồn. Bước tiếp theo sau khi biết được rằng chúng vẫn tồn tại, là đảm bảo chúng sẽ không bao giờ biến mất nữa", Kelsey Neam, thuộc Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu, cho biết trên BBC.

Chúng có vẻ ngoài rất kỳ lạ, nhưng lại cực kỳ dễ thương
Chúng có vẻ ngoài rất kỳ lạ, nhưng lại cực kỳ dễ thương

Phân tích ADN cho thấy loài chuột chù voi Somalia có họ hàng gần nhất với các loài chuột chù voi ở Morocco và Nam Phi.

Phát hiện mới này cho thấy loài chuột chù voi có lãnh thổ sống chỉ khoảng sân sau của một ngôi nhà, bằng cách nào đó, đã di chuyển qua quãng đường rất lớn, để có sự hiện diện ở Djibouti, Morocco và Nam Phi.

Chuột chù voi chủ yếu ăn côn trùng, nhện, rết, cuốn chiếu và giun đất. Chúng dùng mũi của mình để tìm con mồi và dùng lưỡi để nhét thức ăn nhỏ vào trong miệng, giống như thú ăn kiến.

Ước tính có khoảng 20 loài chuột chù voi trên thế giới, trong đó chuột chù voi Somalia là một trong những loài bí ẩn nhất.

Chúng có vẻ ngoài rất kỳ lạ, nhưng lại cực kỳ dễ thương. Thoạt nhìn, chúng giống như chuột, nhưng lại mang chiếc mũi dài như mũi của một con voi.

Vóc dáng bé nhỏ, tròn trịa cùng bộ lông mượt mà, đôi mắt tròn long lanh và cách di chuyển nhanh như sóc khiến chúng trông rất vô hại và đáng yêu.

Nhiều nghiên cứu cho rằng họ hàng gần nhất của chuột chù voi Somalia là chim sơn ca, voi hay lợn biển.

Chuột chù voi Somalia là loài bí ẩn nhất.
Chuột chù voi Somalia là loài bí ẩn nhất.

Chuột chù voi Somalia được nhà tự nhiên học người Pháp Georges Révoil phát hiện trong chuyến thám hiểm Somalia năm 1878 - 1881.

Việc phát hiện sinh vật này trong tự nhiên có thể mở ra một kỷ nguyên mới về hiểu biết loài này.

Kể từ khi không còn được nhìn thấy vào năm 1972 tới nay, 39 mẫu vật được bảo quản trong các bảo tàng lịch sử tự nhiên trên thế giới là bằng chứng vật lý duy nhất cho thấy chuột chù voi Somalia từng tồn tại.

Nhóm Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu thậm chí còn đưa nó vào danh sách "25 loài bị mất tích được mong muốn nhìn thấy nhất".

Hầu hết mọi thông tin đã được công bố về loài này đều xuất phát từ các nghiên cứu dựa trên giải phẫu các mẫu vật trong bảo tàng.

Cập nhật: 27/09/2024 Theo Zing/NĐT
  • 597