Nghiên cứu mới cho thấy khỉ đuôi sóc lùn bao gồm hai loài riêng biệt chứ không phải một loài như lầm tưởng trước đây.
Khỉ sóc đuôi lùn (Cebuella) là động vật đặc hữu của rừng mưa Amazon ở Nam Mỹ. Trước đây, chỉ duy nhất một loài được mô tả trong chi này là Cebuella pygmaea. Với chiều dài khoảng 11,7 - 15,2 cm và nặng trung bình 100 gram khi trưởng thành, chúng được ghi nhận là loài khỉ nhỏ nhất trên thế giới.
Khỉ sóc đuôi lùn tây bắc (Cebuella pygmaea). (Ảnh: Don Faulkner).
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí American Journal of Physical Anthropology, các nhà sinh vật học từ Đại học Bắc Illinois (NIU) của Mỹ đã tiến hành phân tích cấu trúc hộp sọ và ADN của những mẫu vật Cebuella pygmaea được thu thập tại 13 địa điểm khác nhau và nhận thấy chúng thuộc về hai loài riêng biệt.
Nhóm nghiên cứu đề xuất đặt tên cho loài mới là Cebuella niveiventris, bên cạnh Cebuella pygmaea đã được mô tả từ trước. Trong khi C. pygmaea được tìm thấy ở phần phía tây bắc của rừng mưa Amazon, họ hàng của nó chủ yếu phân bố ở phần phía tây nam.
Khỉ sóc đuôi lùn tây nam (Cebuella niveiventris). (Ảnh: Zoo-leipzig).
Theo tác giả chính của nghiên cứu Leila Porter, nhà nhân học sinh học tại NIU, rất khó để phân biệt hai loài dựa trên vẻ bề ngoài vì chúng gần như giống hệt nhau cả về hình dáng lẫn màu sắc.
"Sự khác biệt trong cấu trúc hộp sọ gợi ý rằng C. pygmaea và C. niveiventris có thể hơi khác nhau về hành vi kiếm ăn. Ví dụ, chúng có thể đục khoét các loại cây khác nhau với đặc điểm vỏ cây khác nhau", Porter cho biết.
Cebuella chủ yếu ăn nhựa cây. Chúng thường khoét các lỗ nhỏ trên lớp vỏ của cây thân gỗ hoặc cây leo, sau dùng lưỡi để liếm nhựa tiết ra từ đó. Đôi khi, chúng cũng ăn mật hoa và trái cây để bổ sung dinh dưỡng.