Giáo sư Miguel Nicolelis, Đại học Duke (Mỹ), chia sẻ độc quyền với Reuters về nghiên cứu mới.
Tờ Reuters cho hay nghiên cứu mới so sánh sự phân bố về mặt địa lý của các ca nhiễm SARS-CoV-2 với khả năng bệnh sốt xuất huyết lây lan trong năm 2019 và 2020. Kết quả cho thấy, việc phơi nhiễm với căn bệnh lây lan do muỗi đốt có thể cung cấp một số mức độ miễn dịch chống lại Covid-19.
Nghiên cứu do Giáo sư Miguel Nicolelis, thuộc Đại học Duke (Mỹ), đứng đầu, chia sẻ độc quyền với Reuters.
Nơi có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp và ca nhiễm mới tăng chậm hơn là khu vực từng bùng phát dịch sốt xuất huyết mạnh. (Ảnh: Reuters).
Giáo sư Nicolelis cho biết nhóm của ông tình cờ phát hiện ra mối liên quan này khi nghiên cứu Covid-19 lây lan ở Brazil như thế nào. Ông nhận thấy những nơi có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp và ca nhiễm mới tăng chậm hơn là khu vực từng bùng phát dịch sốt xuất huyết mạnh.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện mối quan hệ này ở nhiều khu vực khác của Mỹ Latinh, châu Á, các đảo ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Điều này làm tăng khả năng kích thích phản ứng miễn dịch chéo giữa các loại huyết thanh Flavivirus của bệnh sốt xuất huyết và virus SARS-CoV-2. Theo nhóm nghiên cứu, nếu được chứng minh là đúng, giả thuyết này có nghĩa nhiễm trùng sốt xuất huyết hoặc chủng ngừa bằng vaccine sốt xuất huyết an toàn có thể tạo ra một số mức độ miễn dịch chống lại SARS-CoV-2.
Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra không ít người có kháng thể sốt xuất huyết trong máu dương tính giả với kháng thể Covid-19 ngay cả khi họ chưa bao giờ bị nhiễm SARS-CoV-2. Vì vậy, Giáo sư Nicolelis chia sẻ với Reuters rằng kết quả của nghiên cứu mới này đặc biệt thú vị.
"Điều này cho thấy có sự tương tác miễn dịch giữa 2 loại virus mà không ai ngờ tới. Vì 2 loại virus này thuộc các họ hoàn toàn khác nhau", Giáo sư Nicolelis cho hay. Ông cũng cho biết cần có các nghiên cứu sâu hơn để chứng minh mối liên hệ này.