Phát hiện mới về tội phạm gia đình

  •  
  • 1.654

Các nhà tội phạm học người Anh đã phân loại những kẻ giết hại thân nhân thành 4 nhóm, sau khi nghiên cứu các tư liệu báo chí liên quan từ năm 1980 đến 2012.

Theo báo cáo trên chuyên san Howard Journal of Criminal Justice, các nhà nghiên cứu cho hay lý do chính dẫn đến các bi kịch kiểu này là gia đình tan vỡ, khó khăn về tài chính và cuối cùng là giết người vì danh dự.

Họ cũng chia thủ phạm thành 4 nhóm, gồm tự cao tự đại, vô đạo đức, bất đắc chí và hoang tưởng. Mỗi nhóm có sự khác nhau về động cơ giết người, và nhiều trường hợp từng có hành vi bạo hành gia đình. 4 trong 5 trường hợp kẻ giết người tự giết mình sau đó, hoặc từng cố gắng làm như vậy. Và trong hầu hết trường hợp, kẻ giết người là người cha.

Trong nhóm đầu tiên, tức tự cao tự đại, kẻ giết người thường đổ trách nhiệm của hành vi tội ác lên bà mẹ, người mà theo hắn là nguyên nhân làm tan vỡ gia đình. Đối với những người này, vị trí trụ cột của mình mới là trung tâm của ý tưởng về một gia đình hoàn hảo. Ở những kẻ giết người vô đạo đức, gia đình có sự liên hệ mạnh mẽ với kinh tế trong tâm trí chúng. Người cha đánh giá gia đình là kết quả của sự thành công về kinh tế của mình, cho phép họ thể hiện những thành tựu của bản thân. Tuy nhiên, nếu thất bại về kinh tế, người cha sẽ xem gia đình không còn đủ sức phục vụ cho chức năng đó nữa.

Phát hiện mới về tội phạm gia đình
Bi kịch gia đình ở North Wales, khi người cha giết hai con vào năm 2008 - (Ảnh: PA)

 

Về nhóm bất đắc chí, kẻ giết người tin rằng gia đình đã làm mình thất vọng hoặc hủy hoại viễn cảnh về một cuộc sống gia đình lý tưởng. Một ví dụ trong trường hợp này là con cái không theo tôn giáo hoặc phong tục văn hóa của người cha. Cuối cùng là trường hợp hoang tưởng, tức những kẻ cho rằng gia đình đang đối mặt với nguy cơ đe dọa từ bên ngoài. Những mối đe dọa này thường từ các tổ chức xã hội hoặc tư pháp, và người cha lo ngại sẽ tước mất con cái của mình. Do đó, hành động giết người ở đây bị thúc đẩy bởi khao khát lệch lạc muốn bảo vệ gia đình.

Số trường hợp giết thân nhân cũng gia tăng vào năm 2000, với tỷ lệ hơn 50%. Trước đó, vào thập niên 1980, chỉ có 6 vụ sát hại người thân bị phanh phui tại Anh. Một trong những tác giả của cuộc nghiên cứu, chuyên gia David Wilson của Đại học thành phố Birmingham (Anh) cho hay lý do đằng sau những hành động tội ác này là đàn ông cảm thấy họ cần phải thể hiện sức mạnh và quyền kiểm soát đối với gia đình. “Cách nhìn nhận của họ về gia đình rất trắng hoặc đen, và không thể hiện vai trò năng động ngày càng gia tăng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế và trong đời sống gia đình”, BBC dẫn lời Giáo sư Wilson. Ông cho hay điều khiến các chuyên gia bị sốc trước những cách giết hại con cái lạ lùng của thủ phạm. “Họ ôm con nhảy cầu; lái xe chở con nhỏ ở ghế sau lao thẳng xuống các kênh đào”, chuyên gia Wilson nêu một số ví dụ. Nguy hiểm hơn nữa là những kẻ thủ ác này không thuộc dạng sát nhân bình thường có thể dễ dàng bị truy lùng trên kho dữ liệu tội phạm.

Nghiên cứu mới đã đưa ra cách giải thích khác biệt về kẻ sát nhân giết hại người thân. Các giả thuyết trước đây cho rằng hành động muốn trả thù có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi tội ác. Tuy nhiên, nhóm của Giáo sư Wilson lý giải rằng chính sự cách biệt và quá riêng tư của các gia đình mới là nguyên nhân tạo cơ hội cho cái ác sinh sôi. Nhìn bề ngoài, thủ phạm được đánh giá là những người cha thương yêu con cái và người chồng tận tâm, trước khi họ gây ra tội ác. Điều quan trọng là cần khuyến khích con người chịu mở rộng quan hệ xã hội, đi ra khỏi cái kén nhỏ của gia đình để giảm bớt những vụ giết hại người thân.

Theo Thanh Niên
  • 1.654