Các nhà thiên văn học tại Học viện Công nghệ California (CIT, Mỹ) vừa công bố phát hiện nơi chứa nhiều nước nhất và xa nhất trong vũ trụ, theo hãng tin UPI (Mỹ) ngày 22-7.
Chuẩn tinh APM 08279+5255 - nơi các nhà thiên văn học phát hiện một lượng lớn hơi nước. Khí và bụi hình thành nên một vòng xuyến bao quanh lỗ đen trung tâm, với những đám mây khí ở phía trên và phía dưới - Ảnh: Space.com
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy lượng hơi nước gấp ít nhất 140 nghìn tỉ lần so với lượng nước trên các đại dương ở Trái đất trong một chuẩn tinh (quasar) - một thiên thể cực xa và cực sáng trong vũ trụ - cách xa Trái đất khoảng 12 tỉ năm ánh sáng.
Chuẩn tinh này có tên là APM 08279+5255, nó được cung cấp năng lượng bởi một lỗ đen khổng lồ - lớn gấp 20 tỉ lần Mặt trời - liên tục hút khí và bụi xung quanh và phun ra một nguồn năng lượng cực lớn.
Theo Space.com, đám mây hơi nước trong chuẩn tinh APM 08279+5255 - có nhiệt độ (- 53 độ C) và nhẹ hơn 300 nghìn tỉ lần Trái đất - được phân phối xung quanh lỗ đen trong một vùng khí trải dài hàng trăm năm ánh sáng.
“Môi trường xung quanh chuẩn tinh này độc đáo ở chỗ nó sản xuất ra lượng nước khổng lồ. Đây là một bằng chứng cho thấy nước phổ biến ở khắp vũ trụ, thậm chí ở những thời kỳ sớm nhất”, nhà khoa học Matt Bradford, làm việc tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của CIT thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nói.