Một nhóm nhà nghiên cứu tìm thấy chủng gấu nước mới có thể hấp thụ bức xạ cực tím có hại và phát ra ánh sáng xanh.
Các nhà khoa học phát hiện gấu nước có một lá chắn huỳnh quang giúp bảo vệ cơ thể chúng trước bức xạ cực tím độc hại. Gấu nước là động vật vi sinh nhỏ sinh sống trong môi trường nước, dài khoảng 0,5 mm - 1 mm, trông giống chiếc túi căng phồng với 8 chiếc chân. Chúng được xem là sinh vật sống dai nhất hành tinh với khả năng tồn tại trong chân không vũ trụ, dưới nhiệt độ và áp suất cực hạn, môi trường ion hóa mạnh và bức xạ cực tím.
Gấu nước phát sáng màu xanh dương dưới tia UV. (Ảnh: Harikumar R Suma và Sandeep M Eswarappa).
Cơ chế bảo vệ mới được phát hiện giúp gấu nước đối phó với tia cực tím nguy hiểm. Chúng sở hữu một chất huỳnh quang có thể hấp thụ bức xạ và sau đó giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng xanh.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy gấu nước có thể sống ở những nơi khô nóng nhất trên Trái Đất", tiến sĩ Sandeep Eswarappa, đồng tác giả nghiên cứu ở Viện Khoa học Ấn Độ, cho biết. Trong báo cáo đăng hôm 14/10 trên tạp chí Biology Letters, Eswarappa và đồng nghiệp mô tả quá trình họ tìm thấy một loài gấu nước mới trong mẫu vật rêu mọc ở tường của viện nghiên cứu.
Khi họ để chủng gấu nước mới tên Paramacrobiotus BLR và một chủng khác là H exemplaris dưới ánh sáng cực tím trong 15 phút, chỉ có chủng đầu tiên sống sót. Đặc biệt, chủng mới phát ra ánh sáng màu xanh dương. Để tìm hiểu sâu hơn, nhóm nghiên cứu tách hợp chất huỳnh quang từ chủng Paramacrobiotus BLR và phủ lên H exemplaris. Kết quả cho thấy hợp chất có tác dụng bảo vệ với một nửa số gấu nước H exemplaris vẫn còn sống sau vài ngày. Eswarappa cho biết nhóm của ông rất bất ngờ trước phát hiện này. Đây là loài vật duy nhất có cơ chế chống bức xạ cực tím bằng huỳnh quang.
Tiến sĩ Łukasz Kaczmarek, chuyên gia về gấu nước ở Đại học Adam Mickiewicz tại Ba Lan, nhận xét nghiên cứu của Eswarappa cho thấy tiềm năng sử dụng các hợp chất do gấu nước tiết ra để bảo vệ những tổ chức sinh vật khác khỏi điều kiện môi trường có hại.