Các nhà khảo cổ tìm thấy một đoạn nền gỗ từ thời Đồ đá giữa với những thanh gỗ được xử lý tỉ mỉ ở vùng biển Anh.
Tổ chức Maritime Archaeological Trust tìm thấy một đoạn nền gỗ gồm 60-70 thanh gỗ ghép thành nhiều lớp dưới vùng biển gần thị trấn Yarmouth, đảo Wight, Anh, Telegraph hôm 20/8 đưa tin. Đây có thể là tàn tích của xưởng đóng thuyền cổ xưa nhất thế giới, tồn tại cách đây khoảng 8.000 năm, trong thời Đồ đá giữa. Nhóm chuyên gia xác định niên đại của gỗ nhờ phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon và vòng cây.
Các nhà khảo cổ tìm thấy nền gỗ ở độ sâu 11m dưới biển. (Ảnh: BBC).
Những năm 1990, ngư dân địa phương kéo lên nhiều tấm gỗ dưới vùng biển gần Yarmouth. Các nhà khoa học cũng phát hiện một số viên đá cứng mà có thể người cổ đại từng dùng làm công cụ. Khi đó, giới khảo cổ bắt đầu nghi ngờ có các công trình thời Đồ đá tại đây. Những chuyến thám hiểm với thiết bị hiện đại sau này đã giúp xác nhận điều đó.
Những thanh gỗ được cắt theo kỹ thuật tiên tiến, thể hiện kỹ năng làm mộc điêu luyện của người thời Đồ đá giữa. Trước đó, giới khoa học cho rằng kỹ thuật xử lý gỗ này chỉ xuất hiện sau thời Đồ Đá mới, nghĩa là khoảng năm 4500 trước Công nguyên.
Các thanh gỗ dùng để xây xưởng đóng thuyền thời Đồ đá giữa. (Ảnh: Telegraph).
Các nhà khảo cổ biết thuyền được sử dụng rộng rãi trong thời Đồ Đá qua tranh vẽ trong hang động và những hàng hóa phải trao đổi qua đường thủy. Họ tìm thấy con thuyền cổ xưa nhất tại một đầm lầy ở Hà Lan, có niên đại 10.000 năm. Tuy nhiên, có rất ít dấu tích về sự tồn tại của xưởng đóng thuyền trong thời kỳ cổ xưa như vậy.
Tàn tích xưởng thuyền cổ mới phát hiện nằm ở độ sâu 11m dưới biển. Nhóm nghiên cứu của Maritime Archaeological Trust nhận xét, đây là công trình thời Đồ đá giữa bằng gỗ nguyên vẹn nhất từng tìm thấy ở Anh. Vào thời kỳ này, nơi đây là một thung lũng và đảo Wight vẫn nối với đất liền.