Phát hiện thêm loài thực vật sống sót qua thời kỳ tuyệt chủng nghiêm trọng nhất lịch sử

  •  
  • 984

Những hóa thạch ở sa mạc Jordan tiết lộ về nhánh thực vật tránh thoát được số phận diệt vong trong thời kỳ Đại Tuyệt Chủng.

Một bộ sưu tập hóa thạch có niên đại 255 triệu năm cho thấy sự tồn tại của ba nhóm thực vật chính sớm hơn hẳn so với hình dung trước đây, và chúng đều vượt qua được thời kỳ Đại tuyệt chủng (Great Dying) - sự tuyệt chủng hàng loạt đã quét sạch hơn 90% sinh vật biển và khoảng 70% động vật có xương sống trên cạn.


Được tìm thấy gần Biển Chết, đây là hóa thạch của một loài lá kim sống cách đây hơn 252 triệu năm, thuộc về một họ thực vật còn tồn tại đến ngày nay. (Ảnh: Palaeobotany Münster).

Các mẫu hóa thạch được mô tả trên tạp chí Science (Khoahọc) ngày 21 tháng 12 mới đây, đẩy mốc thời gian sớm nhất của nhóm thực vật này lui lại khoảng 5 triệu năm. Tuy nhiên theo Benjamin Bomfleur, nhà nghiên cứu cổ thực vật học và là đồng tác giả nghiên cứu trên tại Đại học Münster của Đức, đó không chỉ là 5 triệu năm bình thường, đó là 5 triệu năm vượt qua ranh giới 2 kỷ Permi-Triassic.

Phát hiện này bổ sung vào danh sách (ngày càng tăng) các loài thực vật sống sót sau thảm họa được gọi là Đại tuyệt chủng, sự tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất thế giới từ trước tới nay xảy ra khoảng 252 triệu năm trước vào cuối kỷ Permi.

Bomfleur và các đồng nghiệp đã tìm thấy các hóa thạch này trong những vỉa đá lộ thiên ở sa mạc gần Biển Chết, thuộc Jordan. Khu vực này là nơi tìm kiếm ưa thích của giới cổ thực vật học trong nhiều thập kỷ. "Mỗi lần chúng tôi đến đây, chúng tôi lại tìm thấy các hóa thạch mới", ông cho biết.


Hóa thạch được bảo quản tốt đến mức có thể nhìn thấy các chi tiết nhỏ của cây.

Vào thời điểm các hóa thạch này hình thành, vùng quanh Biển Chết vẫn còn khí hậu nhiệt đới nhưng đang trả qua một đợt khô hạn kéo dài. Những điều kiện đó không thuận lợi cho việc hình thành hóa thạch. Nhưng đáng ngạc nhiên là những hóa thạch này đã được bảo quản đặc biệt tốt, theo Bomfleur.

Ông và các đồng nghiệp của mình đã rửa các mẫu đá bằng một loại axit để chiết xuất ra lớp biểu bì thực vật (giống như sáp) ở bên trong. Lớp biểu bì này có vai trò như khuôn đúc, giữ lại các chi tiết siêu nhỏ trên bề mặt của lá, giúp các nhà khoa học xác định chính xác mẫu thực vật hóa thạch.


Để tìm mẫu hóa thạch, các nhà nghiên cứu phải di chuyển nhiều ngày trong sa mạc Jordan gần Biển Chết. (Ảnh: Palaeobotany Münster).

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hóa thạch thuộc họ Podocarpacae, một nhóm lớn thực vật hình nón hiện đang sinh trưởng ở Nam Bán cầu. Đây là bằng chứng hóa thạch cổ xưa nhất về ​​một họ cây lá kim còn tồn tại đến ngày nay.

Và hóa thạch còn chứa hai loài thực vật có hạt khác, hiện đã tuyệt chủng - Bennettitales và Corystospermales - tồn tại trong suốt kỷ Permi và lụi tàn dần về sau. Bennettitales đặc biệt đáng chú ý vì sự hình thành các cấu trúc sinh sản tương tự hoa và có thể là họ hàng xa với các loài thực vật có hoa, xuất hiện khoảng 125 triệu năm trước.

Ngày nay, các vùng nhiệt đới là điểm nóng về đa dạng sinh học và người ta cho rằng vùng nhiệt đới thời cổ đại cũng vậy. Nhưng có rất ít bằng chứng hóa thạch, theo Fabiany Herrera, nhà cổ sinh vật học tại Vườn bách thảo Chicago. Dựa trên các phân tích di truyền học trước đây, một số nhóm thực vật ở vùng nhiệt đới đã sống sót được qua thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt. Nhưng cách duy nhất để khẳng định chắc chắn điều này là những mẫu vật hóa thạch. "Giờ chúng tôi đã có chúng", bà nói.

Cập nhật: 26/12/2018 Theo Dân Trí
  • 984