Trung Quốc chuẩn bị đưa 3 phi hành gia trẻ tuổi lên trạm vũ trụ trên quỹ đạo từ căn cứ ở phía tây bắc sa mạc Gobi sau nửa đêm 16/10.
Theo kế hoạch, nhiệm vụ Thần Châu 13 sẽ kéo dài 6 tháng, bao gồm phi hành gia Zhai Zhigang, 55 tuổi, Wang Yaping, 41 tuổi, và Ye Guangfu, 41 tuổi. Họ là đội dự phòng trong nhiệm vụ Thần Châu 12 kết thúc gần đây. Wang trở thành nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc làm việc trên module lõi Thiên Hà của trạm vũ trụ. Đây sẽ là chuyến bay vào không gian thứ hai của Wang, người từng là thành viên trong nhiệm vụ Thần Châu 10 năm 2013. Liu Yang, 43 tuổi, phi hành gia trong nhiệm vụ Thần Châu 9 vào tháng 6/2012, là người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên bay vào không gian.
Tên lửa Trường Chinh 2F sẽ phóng tàu Thần Châu 13 ở Trung tâm phóng Tửu Tuyền. (Ảnh: AFP)
Các thành viên phi hành đoàn Thần Châu 13 có độ tuổi trung bình trẻ hơn 6 năm so với những người tham gia nhiệm vụ trước đó là Nie Haisheng, Liu Boming và Tang Hongbo. Đội của Nie bay trở về Trái Đất tháng trước sau khi trải qua 3 tháng trên trạm vũ trụ. Ở độ tuổi 56, Nie hiện nay là phi hành gia lớn tuổi nhất của Trung Quốc hoạt động trong nhiệm vụ không gian.
Ye Guangfu từng tham gia tập huấn kỹ năng CAVES của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) năm 2016. Đây sẽ là chuyến bay vào không gian đầu tiên của Ye. Với khả năng nói tiếng Anh trôi chảy, Ye là một trong những phi hành gia chủ chốt của Trung Quốc tiếp đón những đồng nghiệp nước ngoài khi trạm vũ trụ Thiên Cung đi vào hoạt động đầy đủ.
Hôm 7/10, Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) thông báo tàu vũ trụ Thần Châu 13 đã được đưa vào vị trí ở Trung tâm phóng Tửu Tuyền. Theo CMSA, cả cơ sở và thiết bị tại bãi phóng đều trong tình trạng tốt. Nhà chức trách sẽ tiến hành nhiều kiểm tra và thử nghiệm khác nhau trước lúc phóng.
Trong 6 tháng tới, phi hành đoàn Thần Châu 13 sẽ xác định mức độ bền vững của công nghệ trên trạm vũ trụ khi lưu trú dài hạn, tiến hành thêm nhiều chuyến đi bộ không gian, kiểm tra kỹ hơn cánh tay robot và bộ đồ phi hành gia, thực hiện thí nghiệm khoa học. Họ có thể ở lại trạm lâu hơn nhiệm vụ Thần Châu 12 nhờ 6 tấn vật tư và trang thiết bị do tàu chở hàng Thiên Châu 3 chở lên trước đó.
Thần Châu 13 sẽ là lần phóng tàu cuối cùng của CMSA trong năm nay để xây dựng trạm Thiên Cung. Hai module thí nghiệm khác sẽ được đưa lên trạm để các phi hành gia có thể thực hiện thêm nhiều thí nghiệm như y học không gian và công nghệ sinh học. Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành trạm Thiên Cung vào năm sau với 2 nhiệm vụ chở hàng và 2 nhiệm vụ có người lái.