Các nhà khảo cổ đã phát hiện một quả trứng gà có niên đại 2.000 năm tuổi trong ngôi mộ cổ bên bờ sông Xích Thủy, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Đây là trường hợp cực hiếm gặp trong lịch sử khảo cổ Trung Quốc.
Quả trứng được phát hiện hôm 24/8. Đây là lần đầu tiên một quả trứng như vậy được phát hiện trong một ngôi mộ cổ ở Quý Châu. Tuy nhiên đội khảo cổ vẫn chưa thể tìm được cách đưa quả trứng lên bởi có thể chỉ cần chạm vào là nó sẽ vỡ ngay lập tức.
Khi đang khai quật khu mộ cổ, đội nghiên cứu đã vô tình phát hiện một quả bóng có màu hơi vàng được tìm thấy bên đống đồ gốm."Khi dùng chổi lông quét qua nhẹ nhàng, bề mặt quả bóng rạn nứt," Trương Cải khóa, người phụ trách đội khảo cổ cho biết. "Chúng tôi đã xem xét cẩn thận và so sánh kỹ lưỡng cuối cùng xác định đó là một quả trứng gà."
Phát hiện trứng gà trong mộ cổ không chỉ là chuyện xảy ra đầu tiên trong lịch sử khảo cổ ở Quý Châu mà đây còn là chuyện rất hiếm gặp ở Trung Quốc. Trước đây, trứng gà cũng từng được phát hiện trong các ngôi mộ ở Hà Nam, Sơn Tây hay Trùng Khánh. Các ngôi mộ này có điểm chung là đều có từ đời nhà Hán.
Quả trứng gà 2.000 năm tuổi được tìm thấy trong ngôi mộ cổ
Khu di chỉ Hoàng Kim Loan nằm bên bờ sông Xích Thủy, thị trấn Thủ Thành là khu di chỉ lớn nhất được khai thuật ở Quý Châu đến thời điểm này. Đội khảo cổ đã phát hiện rất nhiều đồ gốm và một phần xương động vật trong một ngôi mộ 2.000 năm thời nhà Hán.
Trước đó, nhóm chuyên gia khảo cổ từ Bảo tàng Nam Kinh và Bảo tàng Giang Ninh thuộc thành phố Nam Kinh đã khai quật ngôi mộ cổ 500 tuổi chứa đầy báu vật. Kho báu trong ngôi mộ này bao gồm vòng tay vàng, một hộp nước hoa bằng vàng và cặp tóc vàng, tất cả đều được khảm đá quý, trong đó ngọc bích, hồng ngọc, ngọc lam.
Dựa trên các tấm bia được tìm thấy ở khu vực khai quật, các nhà nghiên cứu xác định người được chôn cất là một người phụ nữ tên Mei, qua đời năm 1474 khi khoảng 45 tuổi. Quan tài hư hỏng do ngập trong nước, nhưng bộ xương của bà vẫn được tìm thấy. Mei là một trong ba người vợ của Mu Bin, người từng cai trị tỉnh Vân Nam.