Kích thước từng bộ phận của cá mập Megalodon thời tiền sử lần đầu được tiết lộ trong nghiên cứu mới của các nhà cổ sinh vật học Anh.
Cá mập Megalodon sống cách đây khoảng 23 - 3 triệu năm là một trong động vật săn mồi to lớn và mạnh mẽ nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, chúng có thể phát triển tới chiều dài 18m - gấp ba lần cá mập trắng lớn hiện nay - và nặng tới 48 tấn.
Kích thước các bộ phận của một con cá mập Megalodon dài 16m. (Ảnh: CNN).
Trong một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Scientific Reports hôm 3/9, các nhà cổ sinh vật học tại Đại học Bristol và Swansea của Anh cho biết đã xác định được tỷ lệ cơ thể và kích thước từng bộ phận của loài thủy quái khổng lồ này dựa vào phương pháp toán học. Các so sánh cũng được thực hiện với những họ hàng còn sống của chúng.
Nhóm nghiên cứu tiết lộ rằng với một con Megalodon dài 16m, đầu của nó có thể dài 4,6m, vây lưng cao 1,62m (tương đương chiều cao của một người trưởng thành), vây bụng dài 3,08 m và vây đuôi cao tới 3,85m. Giống với các loài cá mập hiện đại, Megalodon có tỷ lệ cơ thể không thay đổi khi chúng lớn lên.
Trước đây, hóa thạch Megalodon chỉ được so sánh với cá mập trắng lớn nhưng phân tích mới đã mở rộng ra 5 loài cá mập hiện đại, bao gồm cả hai phân loài cá mập mako vây ngắn và vây dài.
Vây lưng của cá mập Megalodon cao tương đương một người trưởng thành. (Ảnh: Oliver E. Demuth).
"Chúng tôi nhận thấy tất cả các loài cá mập săn mồi hiện nay (có họ hàng với Megalodon) đều không thay đổi tỷ lệ cơ thể khi trưởng thành. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể dựa vào đường cong tăng trưởng của các loài cá mập hiện đại để dự đoán hình dạng tổng thể của Megalodon", trưởng nhóm nghiên cứu Jack Cooper từ Đại học Bristol giải thích.
Việc tái tạo kích thước các bộ phận cơ thể của Megalodon sẽ tạo nền tảng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về đặc điểm sinh lý của loài cá mập khổng lồ này, cũng như các yếu tố giải phẫu bên trong có thể hé lộ nguyên nhân tuyệt chủng của chúng.