Ngày 11-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt: Đề án tổng thể tăng cường năng lực quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen và sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen từ nay đến năm 2010, thực hiện Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học.
Quyết định 102/2007/QĐ-TTg nêu rõ quản lý an toàn sinh học là một nhiệm vụ không thể tách rời trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học hiện đại. Quản lý an toàn sinh học góp phần thúc đẩy công nghệ sinh học hiện đại phát triển, đạt nhiều thành tựu mới, bên cạnh đó phải đi kèm các biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ và ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình trên, nhằm mục đích bảo vệ an toàn cho sức khỏe con người, môi trường sống và đa dạng sinh học, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Mục tiêu của đề án là xây dựng, ban hành và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý an toàn sinh học; đào tạo đủ nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu quản lý an toàn sinh học ở các bộ, ngành, địa phương và cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen và sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen. Ngoài ra, phải xây dựng và tăng cường mạnh về cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng tiên tiến, hiện đại, bảo đảm có đủ phòng thí nghiệm ở ba miền đất nước.
Theo Đề án hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại sẽ được xây dựng để đủ năng lực phân tích, nhận biết và xác định chính xác các loại sinh vật biến đổi gen, sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen, đánh giá, quản lý và kiểm soát được rủi ro do các đối tượng trên gây ra.
Đề án còn đề cập đến việc đa dạng hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho quản lý an toàn sinh học như một giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của đề án. Theo đó, tăng dần mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác quản lý an toàn sinh học; ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, thiết bị phục vụ việc phân tích, nhận biết, xác định, đánh giá rủi ro, quản lý và giám sát rủi ro đối với các sinh vật biến đổi gen, sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen.
Ngoài vốn từ ngân sách nhà nước, cần khuyến khích, thu hút và khai thác tốt các nguồn vốn đầu tư khác thông qua các chương trình, dự án hợp tác song phương và đa phương; tích cực huy động thêm các nguồn vốn từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác này.