Việc săn lùng cá mập để lấy vây cá đã đẩy loài “sát thủ đại dương” này tới bờ vực tuyệt chủng. Tuy nhiên, tuyệt phẩm mà tương truyền là “đại bổ” này thực ra lại tiềm ẩn nguy cơ chết người.
>>> Vi cá mập không chống được ung thư
Trang LiveScience đưa tin, việc phân tích thành phần vây cá mập tại vùng biển Florida (Mỹ) đã tìm thấy nồng độ cao chất BMAA, một độc dược thần kinh có thể gây ra bệnh Alzheimer và Lou Gehrig (xơ hóa teo cơ). Phát hiện này lập tức làm dấy lên mối lo ngại rằng việc ăn thịt cá mập và súp vi cá có thể khiến người dùng “lợi bất cập hại”.
Súp vi cá là một trong "bát trân" nhưng nó cũng có thể đe dọa đến hệ thần kinh của người ăn.
“Nồng độ BMAA trong mẫu thí nghiệm thực sự đáng lo, không chỉ trong vây cá mập mà ngay cả những loại thuốc bổ có chứa tinh chất vi cá hay những dạng thực phẩm/dược phẩm mà con người sử dụng khác đều cao”, bà Deborah Mash, Đại học Miami Brain Endowment cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra bảy loại cá mập khác nhau gồm: cá mập mũi đen, cá mập vây đen, cá mập đầu búa, cá mập đầu búa lớn, cá mập bò, cá mập chanh (chỉ sống ở vùng biển quanh Mỹ, Brazil và một số nước Nam Mỹ) và cá mập nurse (một loại cá mập không răng). Kết quả cho thấy, nồng độ BMAA dao động từ 144 - 1838 nanogram/mg mẫu vật. Theo bà Mash, nồng độ này là tương đương với mức BMAA tìm thấy trong não của bệnh nhân Alzheimer và Lou Gehrig. Trước đó, một số nghiên cứu từng khẳng định mối liên hệ giữa việc ăn thịt dơi Guam, vốn có nồng độ BMAA rất cao với các căn bệnh suy giảm thần kinh nói trên.
Các nhà nghiên cứu thực sự hy vọng phát hiện này sẽ khiến người dùng cân nhắc lại về việc ăn súp vi cá và sử dụng các chế phẩm thuốc khác từ cá mập. Trên thực tế, có tới 70 triệu con cá mập bị cắt vây mỗi năm và vứt lại đại dương chờ chết.