Có thể không nhiều người biết sa mạc Dasht-e Lut của Iran. Nó chỉ là sa mạc lớn thứ 25 trên thế giới nhưng lại giữ kỷ lục về mức cao nhất về nhiệt độ bề mặt từng được ghi nhận, trên 70 độ C.
Dasht-e Lut (tiếng Ba Tư có nghĩa là "Đồng bằng trống rỗng") là một sa mạc muối lớn, theo các nhà khoa học nó được hình thành dưới đáy biển.
Ngày nay, đây là một vùng đất cằn cỗi có diện tích khoảng 51.800km2.
Hàng triệu năm trước, sự thay đổi kiến tạo khiến đáy biển dâng cao, nước bốc hơi từ từ do nhiệt độ cao. Ngày nay, đây là một vùng đất cằn cỗi có diện tích khoảng 51.800km2, được bao quanh bởi các dãy núi ở mọi phía, điều này góp phần vào nhiệt độ lập kỷ lục được ghi nhận ở đây do chúng ngăn không khí ẩm từ Địa Trung Hải và biển Ả Rập đến được.
Máy đo quang phổ hình ảnh có độ phân giải trung bình được lắp đặt trên vệ tinh Aqua của NASA đã khảo sát toàn cầu từ năm 2003 đến năm 2010. Dữ liệu thu thập được cho thấy nhiệt độ nóng nhất trung bình được ghi lại ở Dasht-e Lut. Nhiệt độ cao nhất được vệ tinh ghi lại ở đây là 70,7 độ C vào năm 2005.
Phần nóng nhất của Dasht-e Lut là một vùng có tên Gandom Beryan, một cao nguyên được bao phủ bởi đá cuội đen núi lửa, rộng khoảng 480km2. Những viên sỏi sẫm màu là một trong những yếu tố quyết định đến nhiệt độ khắc nghiệt của vùng đất được ghi nhận ở đây vì chúng hấp thụ nhiều năng lượng hơn từ ánh sáng Mặt trời và chỉ phản xạ một phần nhỏ của nó.
Điều thú vị là cái tên Gandom Beryan ("Lúa mì nướng" trong tiếng Ba Tư) được lấy cảm hứng từ một truyền thuyết địa phương về một đống lúa mì bị bỏ lại trên sa mạc bị cháy xém sau vài ngày. Tuy nhiên, với nhiệt độ lên tới gần 70,7 độ C, truyền thuyết đó nghe có vẻ không khó tin.
Dấu hiệu duy nhất của sự sống thực vật trong khu vực này là địa y sa mạc và tamarisk.
Một yếu tố góp phần khác vào sức nóng khắc nghiệt của Dasht-e Lut là thiếu thảm thực vật. Đất mặn khiến cho những loài thực vật thậm chí có thể sống trong những điều kiện khắc nghiệt nhất cũng rất khó tồn tại. Dấu hiệu duy nhất của sự sống thực vật trong khu vực này là địa y sa mạc và tamarisk, những loại cây bụi có khả năng phục hồi và có thể cao tới 10 mét.
Nhà khí hậu học Roger Pielke Sr. của Viện Hợp tác Nghiên cứu Khoa học Môi trường tại Đại học Colorado nói với NASA: "Nhiệt độ nóng nhất được quan sát tại các địa điểm không có thảm thực vật. Điều này có nghĩa là nếu sự thay đổi cảnh quan trong một khu vực dẫn đến ít thảm thực vật hơn, nhiệt độ bề mặt tối đa dự kiến sẽ nóng hơn. Nếu ốc đảo được phát triển bằng cách sử dụng nước ngầm trên sa mạc, nhiệt độ tối đa sẽ thấp hơn".
Đáng ngạc nhiên hơn là mặc dù bạn có thể chiên trứng trên cát và đá ở Dasht-e Lut, nhiệt độ không khí trong khu vực trung bình chỉ vào khoảng 39 độ C.
Ngoài sa mạc Lut, sa mạc Sonoran nằm ở biên giới giữ Mỹ và Mexico cũng có độ nóng tương tự, dù không thường xuyên chạm ngưỡng cao nhất như sa mạc Lut. Độ cao thấp của sa mạc có nghĩa không khí ít có khả năng bốc lên cao và hạ nhiệt.
Sa mạc Sonoran cũng có nhiệt độ bề mặt khá cao dù không thường xuyên chạm ngưỡng cao nhất như sa mạc Lut.
Do bao quanh Sonoran cũng là những ngọn núi, nhiệt độ dễ dàng bị giữ lại ở bồn địa khô cằn, làm tăng nhiệt độ không khí và nhiệt độ mặt đất. Các nhà nghiên cứu không rõ biến đổi khí hậu tác động bao nhiêu tới mức nhiệt độ cực hạn, nhưng những ngày nóng nhất do vệ tinh ghi nhận xuất hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt trong thời kỳ La Niña, hiện tượng biến động theo sự ấm lên toàn cầu.
Ngoài ra, phân tích mới cũng xác định nơi lạnh nhất trên Trái đất. Đó là Nam Cực với kỷ lục -110,9 độ C, thấp hơn 20 độ so với ước tính trước đây. Ánh sáng Mặt Trời ở khu vực này của thế giới tương đối yếu và nhiều tia nắng bị phản chiếu trở lại khí quyển bởi băng và tuyết. Gió mạnh và hệ thống áp suất thấp cũng góp phần làm giảm nhiệt độ ở bề mặt Nam Cực. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Bulletin of the American Meteorological Society hôm 10/5.