Nhiều người tin rằng nếu Tàu con thoi cần hạ cánh khẩn cấp, phi hành đoàn có thể đáp xuống Everglades Jeptport.
Từng được kỳ vọng sân bay lớn nhất thế giới, Everglades Jeptport là một trung tâm đón tiếp các máy bay siêu thanh đến từ mọi lục địa với 6 đường băng cùng đường sắt cao tốc nối với các thành phố xung quanh. Nhưng ngày nay, nó không là gì ngoài một bãi đáp máy bay với một đường băng. Và đường băng đơn độc này tồn tại như lời nhắc nhở về một giấc mơ không bao giờ thành hiện thực của người Mỹ.
Sân bay được kỳ vọng là vĩ đại nhất thế giới chưa bao giờ đón khách. (Ảnh: Miami-Dade Aviation Department).
Bên cạnh đó, nó cũng thực hiện một chức năng khác, khiêm tốn hơn rất nhiều so với mục đích xây dựng ban đầu: trở thành sân bay chuyển tiếp và đào tạo Dade-Collier thuộc sự quản lý của Cục hàng không Miami Dade. Đây cũng là cơ quan quản lý 4 sân bay khác trong khu vực, gồm Miami - sân bay lớn thứ ba ở Mỹ về lưu lượng hành khách quốc tế.
Sân bay Dade-Collier không có nhà ga, chỉ có một văn phòng nhỏ bên trong một chiếc xe kéo 185m2, với 4 nhân viên. Địa điểm này không cho phép bất kỳ máy bay nào hạ cánh trừ trường hợp khẩn cấp, vì không có bất kỳ thiết bị chữa cháy, tiếp nhiên liệu nào. "Tôi nghe đồn rằng nếu Tàu con thoi phải hạ cánh khẩn thấp, nó có thể tới đây", Lonny Craven, quản lý sân bay nói.
Craven cho biết Everglades Jetport - còn được gọi là Big Cypress Swamp Jetport không hề bị bỏ hoang. "Đó là mọi người nghĩ thế. Hiện tại, do nhiều hạn chế, chúng tôi chỉ mở cửa sân bay từ 8h đến 17h30", anh nói.
Everglades Jetport giờ thuộc sự quản lí của Cục hàng không Miami Dade. (Ảnh: Miami-Dade Aviation Department).
Dự án xây "sân bay vĩ đại nhất thế giới" Everglades Jetport khởi công từ 1968. Đó cũng là những năm tháng cuối cùng trong thời hoàng kim của du lịch hàng không, khi cabin của những tàu bay tại Mỹ ngập trong khói xì gà và tiếng kêu leng keng của tách, đĩa bạc đựng đồ ăn. Đó cũng là thời điểm Concorde chuẩn bị thực hiện chuyến bay đầu tiên, còn Boeing đang chuẩn bị cho chiếc 2707, máy bay chở khách siêu thanh to lớn và nhanh hơn.
Khi đó, giới chức đã dự đoán nhu cầu du lịch hàng không của người dân ngày càng tăng và cho rằng miền nam Florida là địa điểm lý tưởng để xây dựng một trung tâm hàng không.
Trong kế hoạch xây dựng ban đầu, Everglades Jetport được cho là có kích thước gấp 5 lần sân bay JFK của New York, chuyên đón các máy bay siêu thanh trong tương lai, chở tối đa 300 hành khách. Nó được xây dựng trên mảnh đất không người ở rộng hơn 100km2, cách Miami 58km và vườn quốc gia Everglades 10km. Theo Carven, đây là vị trí trung tâm, nhiều người có thể dễ dàng tiếp cận. Một hành lang đường sắt, đường bộ rộng hơn 300 m được quy hoạch kết nối sân bay tới tận bờ biển Đại Tây Dương, vịnh Mexico.
Nhưng, mọi thứ không đi theo đúng quỹ đạo. Không ai đoán được rằng hàng không thương mại sắp bước vào một thời kỳ khác. Mối lo ngại về vấn đề môi trường bắt đầu xuất hiện, sau khi sân bay khởi công.
Một báo cáo năm 1969 chỉ ra rằng dự án sẽ phá hủy hệ sinh thái của miền nam Florida, và sau đó là vườn quốc gia Everlades. Nhiều người dân địa phương, các nhà hoạt động đã phản đối dự án gay gắt đến mức toàn bộ hoạt động thi công sân bay Everglades Jetport phải dừng vào năm 1970. "Mọi người khi đó đùa rằng họ đang mở một đường băng trên lưng bầy cá sấu", Craven bày tỏ.
Năm 1971, Boeing hủy dự án 2707. Giấc mơ về một chiếc máy bay siêu thanh chở khách do Mỹ chế tạo vì thế cũng "chết" theo.
Khi đó, thay vì cố gắng di dời Everlades Jetport sang một địa điểm khác, chủ đầu tư đã bỏ rơi ý tưởng. Sân bay chưa từng mở cửa cho hành khách, còn đường băng duy nhất của nó dài 3,2km trở thành địa điểm phổ biến với các phi công tập huấn, những người tận dụng vị trí xa xôi, vắng vẻ để bay.
Khoảnh đất bao quanh sân bay là một vùng đầm lầy hoang dã. (Ảnh: Miami-Dade Aviation Department).
Nơi đây được các hãng bay sử dụng rất nhiều trong những năm 1970, 1980 và đến giữa những năm 1990. Những phi công "hạ cánh và cất cánh ngay" trước khi dừng hẳn, bởi đây là cách phổ biến để nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm thực hành cho những bài học quan trọng của quá trình bay.
"Khi những thiết bị mô phỏng chuyến bay ra đời và nhiên liệu tăng giá, các hãng cũng hạn chế cho phi công thực hành. Nhưng chúng tôi vẫn nhận các chuyến bay quân sự tập huấn, chủ yếu của Lực lượng Tuần duyên Mỹ và các máy bay tư nhân nhỏ", Craven tiết lộ.
Ngày nay, khu vực quanh sân bay là một phần của Khu bảo tồn Quốc gia Big Cypress. Nó còn trở thành nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã như cá sấu, nai, diệc và gấu.
Khoảnh đất hơn 105km2 thuộc sở hữu của sân bay vẫn là một đầm lầy chưa được phát triển, Craven đánh giá diện tích này lớn hơn nhiều so với sân bay quốc tế Miami vẻn vẹn hơn 13km2. "Nó đã được xây để trở thành một sân bay của tương lai", Craven nói về ngày mai không bao giờ đến của Everlades Jetport.