Khoảng 3,5 tỷ năm trước, những cao nguyên ở phía bắc sao Hỏa được bao phủ bởi một đại dương khổng lồ có diện tích tương đương 1/3 bề mặt hành tinh đỏ.
Đại dương cổ trên sao Hỏa có thể lớn hơn Đại Tây Dương. Ảnh: scienceblogs.com.
Nhiều dữ liệu do tàu vũ trụ thu thập trước đây cho thấy rất có thể sao Hỏa từng có một đại dương. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn gây tranh cãi trong giới khoa học vì các bằng chứng chưa đủ sức thuyết phục.
Space cho biết, mới đây các nhà khoa học Mỹ đã phân tích toàn bộ các mạng lưới thung lũng trên sao Hỏa và những khoáng chất mà các vùng châu thổ cổ để lại. Kết quả cho thấy có 29 vùng châu thổ từng bao quanh một đại dương khổng lồ. Độ cao của những châu thổ này không thay đổi trong suốt 3,5 tỷ năm qua.
“Phát hiện của chúng tôi ủng hộ một số giả thuyết về sự tồn tại của một đại dương cổ trên sao Hỏa. Bên cạnh đó chúng tôi còn nhận thấy có thể trước kia sao Hỏa cũng có chu kỳ tuần hoàn nước giống như trái đất”, nhà địa chất hành tinh Gaetano Di Achille của Đại học Colorado, Mỹ, phát biểu.
Theo tính toán của Di Achille và các đồng nghiệp, đại dương cổ có thể bao phủ tới 36% diện tích bề mặt sao Hỏa. Nó có diện tích hơn 81 triệu km2, lớn hơn cả Đại Tây Dương trên địa cầu.
“Điều đáng ngạc nhiên là kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đây, dù những nghiên cứu đó áp dụng phương pháp hoàn toàn khác”, Di Achille nói.
Một câu hỏi cần được giải đáp là: nước ở đâu sau khi đại dương cổ trên sao Hỏa biến mất ?
“Chúng tôi hy vọng những chuyến thám hiểm sao Hỏa trong tương lại sẽ giúp loài người tìm ra câu trả lời”, Di Achille nói.
Nghiên cứu của nhóm Di Achille được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.