Đây có thể xem là một kiểu "siêu năng lực" mới không nhỉ? Những người có khả năng thải ra "phân siêu cường".
Ai cũng phải "đi cầu". Đây là nhu cầu cơ bản nhất của tất cả các loài trên thế giới, từ con người cho đến các loài động vật. Nhưng sản phẩm khi đi cầu - tức là phân đó - thì không phải của ai cũng giống nhau. Tùy vào thể trạng sức khỏe và đồ ăn tiêu thụ, mà tình trạng phân của mỗi chúng ta sẽ có sự khác biệt.
Và bạn biết gì không: một bộ phận nhỏ trong dân số có những cục phân cực kỳ "xịn". Rắn chắc vừa đủ, không đứt gãy, lại chứa "siêu năng lực" với tiềm năng chữa khỏi những căn bệnh nghiêm trọng như viêm ruột và tiểu đường. Nếu có thể, hãy gọi đây là một dạng siêu năng lực mới cũng không sai chút nào đâu.
Một số người có khả năng thải ra "siêu phân" với tiềm năng chữa khỏi những căn bệnh nghiêm trọng.
Cụ thể thì đây là khám phá của các chuyên gia từ ĐH Auckland, sau một bản phân tích các mẫu phân được "quyên góp" với quy mô lớn. Sau nhiều lần thử, các chuyên gia đã tìm ra một mẫu chứa đầy đù các vi khuẩn cần thiết để trị được bệnh cho con người.
Trên thực tế, giới khoa học từ lâu đã rộ lên ý tưởng rằng có tồn tại một kiểu người với khả năng thải ra "siêu phân", nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta chứng minh được điều đó là sự thật.
"Các phân tích cho thấy có tồn tại một dạng người với siêu năng lực đặc biệt, khi phân của họ có khả năng gây ảnh hưởng đến đường ruột và đem lại những lợi ích về y tế" - trích lời Justin O'Sullivan - chuyên gia đang nghiên cứu về việc tận dụng vi sinh vật để chữa bệnh tại Đh Auckland.
"Khi sử dụng các mẫu phân siêu cường này trong cấy ghép, chúng ta có tỷ lệ thành công cao gấp đôi các mẫu phân thông thường".
Trong quá khứ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cấy phân là một phương pháp đáng tin cậy để giải quyết các chứng nhiễm trùng hoặc viêm ruột ở mức trầm trọng, bất kể người hiến phân là ai. Tuy nhiên khi dùng để điều trị tiểu đường, phương pháp này lại có tỉ lệ thành công dưới 25%.
Chúng ta từng có những loại thuốc được điều chế từ phân.
Nguyên do là bởi tỉ lệ thành công phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng của của cục phân được hiến tặng. Như theo một nghiên cứu vào năm 2015, trong số 9 người được cấy phân và khỏi bệnh thì có đến 7 là cùng một người hiến tặng, nghĩa là chất lượng đã được giữ ổn định.
Về cơ bản, số vi khuẩn trong ruột của mỗi người là độc nhất, thậm chí còn đặc biệt hơn cả dấu vân tay. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia đều nhận định rằng không quan trọng nó đặc biệt thế nào, một hệ đường ruột khoẻ mạnh phải chứa lượng vi khuẩn đa dạng nhất có thể.
Và khi phân tích các mẫu phân cấy ghép thành công, các chuyên gia nhận thấy lượng vi khuẩn trong đó cũng cực kỳ đa dạng. Từ đây, họ có thể tìm ra cách nhận ra đâu là những mẫu "siêu phân", để từ đó tăng tỷ lệ thành công của quy trình cấy ghép.
Tuy vậy, cũng cần hiểu rằng mọi chuyện vẫn còn khá phức tạp. Không chỉ lượng vi khuẩn, tỉ lệ thành công của phương pháp cấy phân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: gene, phản ứng của hệ miễn dịch người được cấy, loại vi khuẩn có sẵn trong ruột của họ... Ngoài ra còn tùy thuộc vào bệnh cần điều trị, chúng ta sẽ có các loại phân cấy ghép khác nhau.
"Chúng tôi hy vọng rằng sẽ giúp phương pháp này ngày một thành công hơn, để từ đó điều trị được những chứng bệnh nghiêm trọng như Alzheimer," - O'Sullivan chia sẻ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Cellular and Infection Microbiology.