Siêu tên lửa khủng nhất thế giới của Mỹ khiến Bắc Kinh "đỏ mắt" ghen tị: Lập nên lịch sử!

  •   43
  • 3.091

SLS là tên lửa vũ trụ mạnh nhất trong lịch sử nhân loại - phá ngôi vị đứng đầu của Saturn V.

Đại diện của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo rằng NASA đã hoàn thành hoàn toàn việc xây dựng siêu tên lửa mạnh nhất mọi thời đại SLS (Hệ thống Phóng vào Không gian - Space Launch System). Và SLS đã sẵn sàng cho sứ mệnh phóng đầu tiên trong chuỗi các sứ mệnh thuộc Chương trình Artemis đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ thế kỷ 21.

Sau khi hoàn thành, SLS là tên lửa vũ trụ mạnh nhất trong lịch sử nhân loại - phá ngôi vị đứng đầu của Saturn V của chính NASA. Saturn V chính là tên lửa đẩy đã đưa phi hành đoàn Apollo 11 do Neil Armstrong chỉ huy đổ bộ Mặt Trăng năm 1969, cách đây 50 năm có lẻ.

Và NASA hy vọng, với SLS, lịch sử sẽ tái diễn bằng cuộc đổ bộ của hai phi hành gia xuống Mặt Trăng năm 2024.

SLS là tên lửa vũ trụ mạnh nhất trong lịch sử nhân loại.
SLS là tên lửa vũ trụ mạnh nhất trong lịch sử nhân loại. (Ảnh: NASA).

Dự kiến, vào tháng 2/2022, NASA sẽ cho SLS cất cánh vào không gian để khởi động series các sứ mệnh Mặt Trăng chuẩn bị cho con người đổ bộ Mặt Trăng năm 2024, bao gồm các sứ mệnh chia theo giai đoạn Artemis I, II, III.

SLS hiện đang nằm tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida, Mỹ sau khi tàu vũ trụ Orion được lắp lên đầu tên lửa SLS ngày 20/10/2021. NASA đang hồi hộp đếm ngược từng ngày cho ngày trọng đại vào tháng 2/2022 với Artemis I.

"Quái vật" của NASA: Tái lập lịch sử

Thông số siêu tên lửa SLS

  • Tên đầy đủ: Space Launch System
  • Sở hữu: NASA
  • Cao: 98 mét
  • Nặng: 2.750 tấn
  • Tải trọng: 77 tấn
  • Tổng chi phí: 18,6 tỷ USD
  • Tốc độ di chuyển: 39.428 km/giờ, tương đương 11.000 mét/giây
  • Cấu tạo: SLS gồm tầng lõi (có thùng nhiên liệu và 4 động cơ RS-25, tổng tầng lõi nặng 94 tấn) + 2 tên lửa đẩy rắn bổ trợ.

Tổng cộng, siêu tên lửa SLS (gồm tầng lõi + 2 tên lửa đẩy bổ trợ ở hai bên) có lực đẩy 4.400 tấn - đây là lực đẩy cần thiết để tên lửa có thể đẩy tàu vũ trụ bay lên Mặt Trăng.

Ngày 22/10/2021, cơ quan vũ trụ Mỹ NASA cho biết họ đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng để phóng tàu vũ trụ Orion của mình lên quỹ đạo quanh Mặt Trăng bằng siêu tên lửa SLS của mình. Việc phóng tàu vũ trụ Orion quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng chính là chương trình thuộc Artemis I của NASA.

Siêu tên lửa SLS
Siêu tên lửa SLS dành cho Artemis I bên trong High Bay 3 của Tòa nhà lắp ráp phương tiện (VAB) tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, Mỹ vào ngày 20 tháng 9 năm 2021. (Ảnh: NASA / Frank Michaux)

Artemis I sẽ mở đường cho một chuyến bay trong tương lai có người lái - NASA đặt mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng trong năm 2024.

Trước đó, NASA dự kiến cho SLS phóng vào tháng 11/2021, tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như chưa hoàn thiện một số kỹ thuật nên kế hoạch bị hoãn lại.

Nói về Artemis I, Mike Bolger, chuyên gia thuộc chương trình Hệ thống Mặt đất Thăm dò có trụ sở tại Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở Florida, Mỹ, vui mừng cho biết: "Thật khó để diễn tả thành lời cột mốc quan trọng này có ý nghĩa như thế nào, không chỉ đối với chúng tôi ở đây tại Exploration Ground Systems, mà còn đối với tất cả những người vô cùng tài năng đã làm việc chăm chỉ để giúp chúng tôi đạt được điểm này".

Tàu vũ trụ Orion cho sứ mệnh Artemis I của NASA
Tàu vũ trụ Orion cho sứ mệnh Artemis I của NASA, được lắp ráp hoàn chỉnh bên trên tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) ở High Bay 3 của Tòa nhà Lắp ráp Phương tiện tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida vào ngày 20 tháng 10 năm 2021. (Ảnh: NASA / Frank Michaux).

"Nhóm của chúng tôi đã thể hiện sự cống hiến to lớn trong việc chuẩn bị cho sự ra mắt của Artemis I. Trước mắt, chúng tối còn rất nhiều việc phải hoàn thành cho kế hoạch tái lập lịch sử vào năm 2024 nhưng việc chứng kiến siêu tên SLS hoàn thành và dựng thẳng đứng trên bệ phóng chính là phần thưởng lớn nhất của chúng tôi" - Mike Bolger nói thêm.

Space.com dẫn lời của Phó Giám đốc phụ trách phát triển hệ thống thăm dò tại NASA Tom Whitmeyer rằng siêu tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion sẽ được lắp ghép hoàn chỉnh với nhau và đưa đến bãi phóng Launch Pad 398 vào cuối tháng 12/2021 để thử nghiệm và hoàn tất vào tháng 1/2022 trước khi cho bay lên Mặt Trăng vào tháng 2 cùng năm.

Tham vọng của Bắc Kinh

NASA cho biết, sau khi đưa người đổ bộ thành công Mặt Trăng năm 2024, NASA tiếp tục kế hoạch xây dựng căn cứ Mặt Trăng có người ở vĩnh viễn tại vệ tinh Trái Đất. Sau đó, NASA sẽ biến Mặt Trăng thành trạm trung chuyển để khám phá sao Hỏa và sâu hơn nữa.

Đây cũng chính là mục tiêu tham vọng của Trung Quốc. Trước hết, Trung Quốc ấp ủ xây dựng siêu tên lửa Trường Chinh 9 - vào thời điểm hoàn thành, sẽ là tên lửa mạnh nhất của quốc gia này. Dự kiến, Trường Chinh 9 sẽ được phóng thử vào năm 2028 và ​​sẽ có chuyến bay đầu tiên vào khoảng năm 2030.

Tuy nhiên, dù với sức mạnh là: Dài 93 mét, có đường kính 9,5 mét, có khối lượng khi cất cánh là 4.140 tấn, bao gồm 4 tên lửa đẩy đường kính 5 mét, với mỗi tên lửa mang hai động cơ mêtan oxy lỏng 4.800 kilonewton - thì tên lửa Trường Chinh 9 chỉ có sức mạnh tương đương Saturn V của NASA [Trong khi SLS vừa soán ngôi vương của Saturn V].

Dẫu vậy, với Trường Chinh 9, Trung Quốc tỏ rõ tham vọng Mặt Trăng: Xây dựng một căn cứ Mặt Trăng có người ở vĩnh viễn vào giữa những năm 2030.

Có thể thấy, dù rằng Trường Chinh 9 của Trung Quốc không "quái vật" bằng SLS của NASA nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều đặt chung mục tiêu là xây dựng căn cứ có người ở tại Mặt Trăng vào những năm 2030.

Cập nhật: 27/10/2021 Theo Pháp luật&bạn đọc
  • 43
  • 3.091