Sông băng ở Himalaya tan hết vào năm 2100 vì biến đổi khí hậu

  •  
  • 767

Với tình hình như hiện tại, toàn bộ sông băng trên dãy Himalaya có thể tan hết vào năm 2100, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực phẩm và nguồn nước, gây nên sự di cư ồ ạt ở khu vực.

Theo New York Times, vào năm 2100 có ba trường hợp sẽ xảy ra với số băng trên dãy Himalaya, nơi có những ngọn núi cao nhất thế giới.

Trường hợp đầu tiên và là trường hợp lạc quan nhất, nếu các cột mốc đầy tham vọng chống biến đổi khí hậu được thực hiện, một phần ba sông băng ở dãy Himalaya sẽ tan chảy.

Trường hợp thứ hai, khi chúng ta không đạt được những mục tiêu chống biến đổi khí hậu đã đặt ra, và sự nóng lên toàn cầu và gia tăng khí nhà kính giữ ở mức độ hiện tại, dãy Himalaya sẽ mất hai phần ba sông băng vào năm 2100.

Trường hợp cuối cùng cũng là trường hợp xấu xí nhất, khi trái đất nóng lên nhanh hơn, nhiệt độ trên dãy Himalaya có thể tăng thêm 4,4 độ C vào năm 2100 và khiến toàn bộ sông băng ở đây tan chảy. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi thức ăn và nguồn nước, dẫn tới sự di cư ồ ạt ở khu vực.

Sông băng Khumbu gần đỉnh Everest là một trong những dòng sông băng dài nhất thế giới
Sông băng Khumbu gần đỉnh Everest là một trong những dòng sông băng dài nhất thế giới. Ảnh: AFP.

Cuộc khủng hoảng ít được quan tâm

Những trường hợp này được dẫn ra từ báo cáo Hindu Kush Himalaya Assessment (HKHA), một trong những báo cáo toàn diện nhất về tình hình của các dòng sông băng ở khu vực, với sự đóng góp của 210 tác giả trong vòng 5 năm.

Những sông băng ở khu vực Hindu Kush Himalaya kéo dài hơn 2000 dặm và giữ vai trò cung cấp nguồn nước cho khoảng một phần tư dân số thế giới.

"Đây là một cuộc khủng hoảng khí hậu mà bạn chưa từng nghe tới", ông Philippus Wester, tác giả chính của báo cáo cho biết. Nhà nghiên cứu này cũng cảnh báo: "Tác động đối với người dân trong khu vực này, một trong những vùng núi dễ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất thế giới, sẽ bao gồm từ ô nhiễm không khí đến việc gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan".

Vào tháng 10 năm ngoái, một báo cáo mang tính bước ngoặt đã được đưa ra bởi hội đồng khoa học của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Báo cáo thể hiện rằng nếu tỷ lệ phát thải khí nhà kính tiếp tục ở mức độ hiện tại, bầu khí quyển sẽ ấm lên 1,5 độ C (so với thời kỳ tiền công nghiệp) vào năm 2040.

Tại khu vực dãy Himalaya, nếu theo kịch bản này, báo cáo HKHA cho rằng nhiệt độ sẽ tăng thêm 2,1 độ C. Mặc dù người ta biết rằng sự gia tăng khí nhà kích thường được khuếch đại ở vĩ độ cao hơn (như ở Bắc Cực), ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy càng lên cao thì tốc độ ấm lên cũng gia tăng.

Những nạn nhân đầu tiên

Ông David Molden, tổng giám đốc của một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại thủ đô Kathmandu của Nepal, có đóng góp trong báo cáo HKHA, nhận định: "Những người sống ở vùng núi đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Chúng ta phải làm gì đó ngay bây giờ".

Ở khu vực Nam Á, tác động của biến đổi khí hậu đã bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Những đợt nắng nóng tàn khốc đang ngày càng trở nên không thể chịu được, khiến người dân ở đây trở nên ốm yếu và làm giảm mức sống của 800 triệu người.

Khả năng tiếp cận với các nguồn nước cũng đang là vấn đề nan giải. Mùa xuân năm ngoái, tình trạng thiếu nước trầm trọng đã diễn ra ở thành phố Shimla của Ấn Độ trên dãy Himalaya. Mọi thứ tệ đến nỗi các cư dân đã phải yêu cầu khách du lịch ngừng tham quan để họ có đủ nước sinh hoạt.

Một báo cáo của chính phủ Ấn Độ vào năm ngoái cho thấy nước này đang phải trải qua cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất lịch sử. Một nửa dân số Ấn Độ, khoảng 600 triệu người, đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước, với 200.000 người chết mỗi năm do không được tiếp cận với nước sạch.

Theo ước tính, nhu cầu nước của người dân Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

Tại quốc gia láng giềng Nepal, nhiệt độ tăng cao đã khiến những người dân cảm thấy bi quan. Lớp phủ tuyết đang mỏng dần ở các ngôi làng miền núi và mưa thì càng ngày càng không thể dự đoán được. Những khu vực đất đai màu mỡ từng được sử dụng để trồng rau giờ đã trở nên cằn cỗi.

Pasang Tshering Gurung, một nông dân từ làng Samjong, cao 13.000 mét so với mức nước biển, cho biết các nguồn nước đã bắt đầu cạn kiệt.

Sông Samjong Khola, con sông duy nhất chảy qua ngôi làng có lượng nước phụ thuộc vào lượng tuyết rơi
Sông Samjong Khola, con sông duy nhất chảy qua ngôi làng có lượng nước phụ thuộc vào lượng tuyết rơi. Vì biến đổi khí hậu, con sông giờ đã không còn đủ nước để phục vụ cuộc sống của dân làng. Ảnh: Global Press Journal.

Cách đây vài năm, toàn bộ 18 gia đình ở làng Samjong đã chuyển tới một ngôi làng ở thấp hơn 300 mét sau khi hoa màu của họ không thể tồn tại.

Nhưng ông Gurung và những người hàng xóm vẫn hết sức lo lắng. Lở đất do lũ ống tiếp tục xuất hiện, và chính phủ thì hỗ trợ rất ít cho quá trình tái định cư.

Và khi không còn nhiều tiền, ông Gurung không dám chắc mình sẽ đi đâu tiếp.

"Chúng tôi sẽ trở thành những người tị nạn không có đất đai. Làm sao chúng tôi có thể tồn tại trên dãy Himalaya mà không có nước đây", ông Gurung nói.

Cập nhật: 06/02/2019 Theo Zing.vn
  • 767