Sự đồng cảm có thể gây hại cho chúng ta như thế nào?

  •  
  • 287

Sự đồng cảm là sự thấu hiểu và cảm nhận những gì mà người khác đang trải qua, đặt mình trong vị trí của người đó để hiểu rõ người đó hơn.

Nó khiến chúng ta hình thành các kết nối xã hội lành mạnh, đồng thời cũng là nền tảng cho các mối quan hệ lâu dài, có ý nghĩa.

Theo một nghiên cứu gần đây của các học giả Trung Quốc, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đồng cảm với người khác của thanh thiếu niên. Các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đã ảnh hưởng đến khả năng phát triển các kỹ năng xã hội và tham gia vào nhiều tương tác cảm xúc hơn ở những người trẻ tuổi.

Sự đồng cảm hầu như luôn được thảo luận theo hướng tích cực. Nhìn chung, sự sẵn lòng, mong muốn và khả năng đồng cảm là một điều tích cực đối với các cá nhân và xã hội.

Tiến sỹ Fritz Breithaupt, Giáo sư tại Đại học Indiana ở Hoa Kỳ và là tác giả của cuốn "The Dark Sides of Empathy" (tạm dịch: Mặt tối của sự đồng cảm), viết rằng thông qua sự đồng cảm, nỗi đau khổ của người khác cũng là nỗi đau khổ của chúng ta, nhưng hạnh phúc của họ cũng có thể là của chúng ta.

Breithaupt cho biết thêm: “Sự đồng cảm có thể cứu sống nhiều người, dù bằng cách kết nối cảm xúc với một thiếu niên có ý định tự tử hay bằng cách động viên các nhân viên cứu trợ nhân đạo”.

Sự đồng cảm khiến chúng ta hình thành các kết nối xã hội lành mạnh
Sự đồng cảm khiến chúng ta hình thành các kết nối xã hội lành mạnh, đồng thời cũng là nền tảng cho các mối quan hệ lâu dài, có ý nghĩa. (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator)

Bác sỹ tâm lý, Tiến sỹ Ester di Giacomo, một học giả tại Đại học Milan ở Italy, người đã nghiên cứu về sự đồng cảm, nói rằng khả năng diễn giải và chia sẻ chính xác cảm xúc của người khác “là một khía cạnh quan trọng trong các kỹ năng của một cá nhân và nó là nền tảng” để thiết lập và nuôi dưỡng các mối quan hệ tích cực.

Tuy nhiên, cô cảnh báo: “Ngay cả khi nó được coi là điều tích cực, nó vẫn có thể được sử dụng vào mục đích xấu”.

Có nhiều loại đồng cảm khác nhau.

Sự đồng cảm tình cảm - cách nhìn nhận về sự đồng cảm theo truyền thống - liên quan đến khả năng cảm nhận được những gì người khác đang cảm thấy.

Sự đồng cảm nhận thức là khả năng xác định chính xác trạng thái cảm xúc hiện tại của người khác. Không giống như những người đồng cảm tình cảm, những người đồng cảm nhận thức không thực sự “cảm nhận” được những gì người khác đang cảm thấy.

1. Sự đồng cảm có thể trở thành "vũ khí"

Nhà thần kinh học người Mỹ James Fallon nói rằng ông thấy mối tương quan về thần kinh và di truyền của chứng thái nhân cách - những người có khuynh hướng chống đối xã hội cực đoan có thể đạt điểm cao về sự đồng cảm nhận thức.

Đó là bởi vì nhiều kẻ thái nhân cách rất giỏi đọc vị người khác. Họ có thể ghi nhận cảm xúc của người khác ở cấp độ nhận thức chứ không phải ở cấp độ cảm xúc.

Breithaupt nói rằng: “sự đồng cảm có thể được sử dụng để tận hưởng nỗi đau của người khác".

Khả năng xác định nhưng không thực sự cảm nhận được cảm xúc của người khác gắn liền với thứ mà Breithaupt gọi là “sự đồng cảm của ma cà rồng", một dạng đồng cảm trong đó con người sử dụng cảm xúc của người khác làm nhiên liệu, giống như ma cà rồng hút máu người khác.

Nghiên cứu gần đây của di Giacomo cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa sự đồng cảm về mặt nhận thức và tính ích kỷ cực độ. Nhiều người trong số những người bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn nhân cách không thể cảm nhận được cảm xúc của người khác nhưng có thể xác định được họ đang cảm thấy thế nào.

Nghiên cứu cho thấy điều này có lẽ là “bởi vì khả năng đọc được cảm xúc của người khác là một công cụ mạnh mẽ để đạt được lợi ích cá nhân".

Một người có thể đọc được cảm xúc của người khác, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực như buồn bã và tức giận mà không cần phải cảm nhận những gì họ cảm thấy, có thể sử dụng kiến thức này để thao túng người khác và khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn.

2. Sự đồng cảm có thể dẫn đến việc đánh mất bản thân

Vào năm 2021, các nhà tâm lý học Sonia Krol và Jennifer Bartz đã viết một bài báo mô tả nhiều cách mà sự đồng cảm có thể dẫn đến việc đánh mất bản thân.

Khả năng và thậm chí là mong muốn kết nối với những cá nhân khác đang gặp khó khăn có thể khiến một người gặp trở ngại trong việc xác định suy nghĩ của chính mình.

Theo các học giả tại Đại học McGill ở Canada, việc làm mờ ranh giới giữa “tôi” và “bạn,” thường dẫn đến một loại nhầm lẫn và, hơi nghịch lý, khiến một người rút lui khỏi tình huống thay vì thể hiện sự quan tâm đồng cảm.

Hãy nghĩ đến chàng trai trẻ đã bỏ rơi vị hôn thê của mình khi biết tin cô ấy được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú.

Cảm thấy thực sự choáng ngợp trước sức nặng không thể chịu đựng được trong cảm xúc của người khác, họ có thể cảm thấy cần phải rút lui, lùi xa khỏi người có thể cần và được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của họ.

Về cốt lõi và ở dạng lành mạnh nhất, sự đồng cảm là việc tập trung vào người khác ngoài bạn và cảm nhận những gì họ cảm thấy.

Tuy nhiên, việc quá chú trọng đến người khác sẽ khiến bạn có ít thời gian hơn để suy ngẫm và chăm sóc bản thân.

Đồng cảm với suy nghĩ và cảm xúc của người khác cũng có thể khiến một cá nhân gặp khó khăn trong việc tách biệt cảm xúc của người khác với cảm xúc của mình.

Việc quá chú trọng đến người khác sẽ khiến bạn có ít thời gian hơn cho bản thân
Việc quá chú trọng đến người khác sẽ khiến bạn có ít thời gian hơn để suy ngẫm và chăm sóc bản thân. (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Leonardo.Ai)

Một người vợ, người mẹ tận tụy có thể sẽ có ít thời gian để tự suy ngẫm và cô ấy có thể thấy mình bị choáng ngợp bởi những suy nghĩ và cảm xúc của người khác, khiến cô khó xác định được trạng thái cảm xúc của chính mình.

Phụ nữ thường đồng cảm hơn nhiều so với nam giới.

3. Sự đồng cảm có thể khiến bạn phát ốm

Việc quá chú trọng vào người khác không chỉ có thể dẫn đến đánh mất bản thân mà còn có thể khiến một người bị bệnh cả về tinh thần và thể chất.

Hội chứng siêu đồng cảm xảy ra khi một người quá đồng cảm với cảm xúc của người khác và có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức.

Hội chứng siêu đồng cảm xảy ra khi một người quá đồng cảm với cảm xúc của người khác và có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức.

Theo chuyên gia, một người siêu đồng cảm phải chịu “những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ khi người khác trải qua cảm giác tiêu cực", chứ không phải những phản ứng tích cực.

Một người như vậy có thể “cảm thấy choáng ngợp” khi nói về vấn đề của người khác, bởi vì như thể những vấn đề này “thuộc về họ".

Mặc dù việc hòa hợp hơn với cảm xúc của mọi người có thể giúp bạn xây dựng những kết nối có ý nghĩa, nhưng “sự đồng cảm quá mức không được quản lý có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của bạn vì nó có thể khiến bạn theo đuổi các mối quan hệ phụ thuộc, không có ranh giới cá nhân và bỏ bê nhu cầu của bản thân".

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Tâm lý sinh học cho thấy sự đồng cảm - cụ thể là sự đồng cảm về tình cảm - có thể khiến chúng ta phải "trả giá đắt" về mặt sức khỏe. Sự căng thẳng do cảm nhận được điều người khác đang cảm thấy có thể tàn phá cơ thể.

Vì vậy, mặc dù sự đồng cảm là điều cần được nuôi dưỡng và tôn vinh, nhưng hãy nhớ rằng nó cũng có mặt tối.

Cập nhật: 30/11/2023 Vietnam+
  • 287