Sử dụng robot trong điều trị nha khoa

  •  
  • 280

Các nha sĩ tương lai của Nhật sẽ cảm nhận được sự đau đớn của bệnh nhân dễ dàng hơn nhờ sự hỗ trợ trên một loại robot mới có khả năng biểu lộ đau đớn khi mũi khoan của nha sĩ chạm phải dây thần kinh.

Robot này mang hình dáng một phụ nữ trẻ xinh đẹp có mái tóc dài và mặc áo len dài tay màu hồng, có thể nghe những chỉ dẫn của nha sĩ và phản ứng khi bị đau bằng cử động mắt hoặc tay. Một nhóm các nhà chế tạo robot và máy tính đã giới thiệu “cô nàng bệnh nhân” này tại Triển lãm robot quốc tế ở Tokyo, triển lãm bắt đầu mở vào thứ Tư tuần này và kéo dài trong bốn ngày.

Tatsuo Matsuzaki, một viên chức của công ty sản xuất robot Kokoro nơi phát triển phần thân và hệ thống điều khiển cho biết, robot này được đặt tên Simroid thiết kế nhằm phục vụ cho việc thực tập lâm sàng ở các trường Nha khoa. Simroid cao 1,6 mét, có thể nói “Ôi, đau” và nhăn mặt khi khó chịu vì mũi khoan của nha sĩ.

Matsuzaki nói: “Vì Simroid rất thật nên nha sĩ thực tập sẽ cảm nhận được nỗi đau của bệnh nhân và qua đó nâng cao tay nghề của mình vì họ sẽ đối xử với nó như bệnh nhân thực thụ chứ không đơn thuần là một robot. Điểm then chốt ở đây là chúng ta có thể chia sẻ nỗi đau với bệnh nhân mà không cần phải làm cho họ đau đớn.”

Robot Simroid

Yuko Uchida, nha sĩ bệnh viện Đại học nha khoa Nippon, Nhật Bản, minh hoạ cách làm việc với robot Simroid (Ảnh: AFP)

Naotake Shibui, giảng viên trường nha khoa Nippon, người giới thiệu robot này vào tháng 9, cho rằng Simroid có thể giúp nha sĩ học cách hiểu bệnh nhân hơn. Ông nói: “Kỹ thuật điều trị cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn người nha sĩ cần đặt bản thân mình vào vị trí bệnh nhân.”

Một kỹ sư còn cho biết: “Không chỉ có thế, Simroid còn có một bộ cảm biến ở ngực có thể ghi lại những va chạm không nên có ở khu vực này.”

Tuệ Minh (Theo AFP)
  • 280