Sự thật đằng sau cuộc "thảm sát" kinh hoàng nhất đối với sinh vật Trái đất

  •  
  • 410

Bài công bố trên một tạp chí khoa học cho thấy sự chia tách của siêu lục địa và đại tuyệt chủng do cùng một "hung thủ" gây ra.

Theo Sci-News, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ đã vén màn bí ẩn về sự kiện tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Tam Điệp, xảy ra cách đây gần 201,6 triệu năm trước và khiến 76% các loài sinh vật Trái đất tuyệt chủng.

Đó là một cuộc thảm sát khủng khiếp xảy ra cả dưới đại dương lẫn trên cạn. Đặc biệt, nó trùng khớp với việc siêu lục địa Pangea (Panagea, Toàn Lục Địa) bị tách đôi.

Một chuỗi những sự kiện thảm khốc đã xảy ra trên Trái đất vào cuối kỷ Tam Điệp
Một chuỗi những sự kiện thảm khốc đã xảy ra trên Trái đất vào cuối kỷ Tam Điệp - (Minh họa AI: ANH THƯ).

Bài công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy sự chia tách của siêu lục địa và đại tuyệt chủng do cùng một "hung thủ" gây ra.

Như các nghiên cứu trước đó chỉ ra, siêu lục địa cổ đại này bị chia tách bởi hàng triệu km3 dung nham phun ra ồ ạt trong khoảng 600.000 năm, tách ra ở ranh giới cổ xưa của các vùng đất nay là châu Mỹ, châu Âu và Bắc Phi.

Nghiên cứu mới cho thấy sự kiện này còn khủng khiếp hơn: Nhóm tác giả đưa ra bằng chứng cho thấy thay vì kéo dài hàng trăm ngàn năm, tất cả các vụ phun trào đó chỉ gói gọn trong 1 thế kỷ.

Trong khung thời gian cô đọng này, các hạt sunfat phản chiếu ánh sáng Mặt trời được phun vào khí quyển, làm mát Trái đất và đóng băng nhiều cư dân trên đó, một hiện tượng gọi là "mùa đông núi lửa" tàn khốc.

Trước đó, Trái đất vốn rất nóng với lượng carbon dioxide trong khí quyển cao gấp 3 lần mức hiện nay.

Sau đó, nhiệt độ lại tăng nhanh và trở lại trạng thái nóng khủng khiếp, hoàn thành công đoạn cuối cùng của chuỗi thảm họa.

TS Dennis Kent từ Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty (Mỹ), đồng tác giả, cho biết các bằng chứng địa chất tiết lộ sự kiện này đã được tìm thấy ở nhiều nơi thuộc Morocco và Mỹ.

Trong các trầm tích ngay bên dưới lớp lưu giữ bằng chứng từ thảm họa này, các nhà khoa học cũng tìm thấy nhiều hóa thạch kỳ lạ của kỷ Tam Điệp.

Đó là các loài họ hàng lớn sống trên cạn và bán thủy sinh của cá sấu, thằn lằn cây lạ, các loài lưỡng cư đầu dẹt khổng lồ và nhiều loài thực vật nhiệt đới.

Chúng chính là các nạn nhân của đại tuyệt chủng cuối kỷ Tam Điệp

Những loài khủng long có lông vũ nhỏ đã tồn tại từ hàng chục triệu năm trước đó đã sống sót, phát triển mạnh mẽ và trở nên lớn hơn nhiều trong kỷ Jura sau đó, cùng với rùa, thằn lằn và động vật có vú.

Có thể cơ thể nhỏ bé đã khiến chúng có thể trốn tránh trong hang và vượt qua được các đợt thay đổi nhiệt độ tàn khốc.

Cập nhật: 02/11/2024 NLĐ
  • 410