Sứa đe dọa nhà máy điện hạt nhân

  •  
  • 1.059

Cách đây mấy ngày, một nhà máy điện hạt nhân tại bờ biển Israel đã buộc phải đóng cửa sau khi sứa lọt vào hệ thống làm lạnh bằng nước biển.

>>> Nhà máy hạt nhân Anh đóng cửa vì sứa

Sứa đe dọa nhà máy điện hạt nhân
Sứa trở thành hiểm họa đối với nhà máy điện hạt nhân - Ảnh: Hemmy.net

Sự cố tương tự cũng đã khiến 2 lò phản ứng hạt nhân ở Scotland phải tạm thời ngưng hoạt động hồi tuần rồi. Trước đó một tuần, lò phản ứng tại Shimane, Nhật Bản, cũng bị nạn sứa ám ảnh. Những sự kiện tưởng như trùng hợp ngẫu nhiên này đang khiến giới khoa học lo lắng trước viễn cảnh “dân số” sứa có thể đang bùng nổ trong điều kiện nước biển ấm lên và tình trạng a-xít hóa diễn ra trong các đại dương.

Chuyên gia về sứa Monty Graham ở Phòng Thí nghiệm đại dương tại đảo Dauphin (Mỹ) cho hay thế giới từng ghi nhận hàng chục trường hợp sứa là nguyên nhân khiến các lò phản ứng hạt nhân phải đóng cửa (một phần hoặc toàn nhà máy) trong vài thập niên qua. Sứa cũng không buông tha các nhà máy khử muối. Còn chuyên gia Steve Haddock của Viện Nghiên cứu hải dương vịnh Monterrey kể lại vụ một nhà máy năng lượng tại Úc đã ngưng hoạt động cũng vì loài sinh vật này vào năm 1937. Thật ra tất cả các nhà máy trên đều xả nước ra biển, và các chuyên gia khi xây dựng nhà máy đã lắp sẵn bộ phận lọc để gỡ bỏ sứa cũng như các vật thể lỡ vướng vào máng xả. Tuy nhiên, hệ thống lọc mạnh cỡ nào cũng không chống đỡ nỗi trước sự “tấn công” của cả một binh đoàn sứa, theo MSNBC dẫn lời ông Graham.

Cộng đồng sứa thường tăng mạnh số lượng trong những tháng xuân - hè, và điều này có thể giải thích tình trạng nhiều lò phản ứng hạt nhân liên tiếp bị đình trệ vì loài nhuyễn thể này. Tuy nhiên, những sự kiện trên chưa đủ để đi đến kết luận rằng trái đất đang đối mặt với cuộc xâm lăng của loài sứa. Hiện các chuyên gia chỉ mới để ý đến hiện tượng này và bắt đầu khởi động các nghiên cứu có liên quan. Claudia Mills, một nhà sinh học về sứa ở Đại học Washington, cho hay đã ghi nhận một số trường hợp cộng đồng sứa tại vài địa phương gia tăng mạnh. Chẳng hạn, chúng đã mở rộng địa bàn trên Địa Trung Hải trong mấy thập niên qua. Tuy nhiên, Mills cũng phải thừa nhận rằng giới khoa học mù tịt về diễn biến số lượng sứa tại nhiều nơi trên thế giới. Cũng có thể tình trạng ấm lên toàn cầu đã tác động mạnh đến sự sinh sôi của chúng, nhưng không loại trừ chuyện sứa “phá hoại” các lò phản ứng xuất hiện nhiều trên báo chí là do ngày càng có nhiều nhà máy điện hạt nhân mọc lên trên các bờ biển.

Về phần các nhà máy điện hạt nhân, giới quản trị hầu như vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào để đối phó “sứa tặc”. Một số ý kiến cho rằng có thể phải lắp thêm các lớp lọc đa tầng và hệ thống thổi bằng vòi phun để đẩy sứa lên mặt nước, nơi chúng bị teo tóp lại. Hoặc đơn giản hơn là khi nào có nhiều sứa thì cứ đóng cửa lò phản ứng, Graham kết luận.

Theo TNO
  • 1.059