Tác hại mới này sẽ khiến bạn muốn cất điện thoại đi luôn và ngay

  •   42
  • 3.904

Sử dụng điện thoại quá nhiều không chỉ hại mắt, hại tay, hại cổ... mà còn gây ra một hiện tượng rất kỳ lạ cho não bộ con người.

Chúng ta đang được chứng kiến một thế hệ luôn dán mắt vào màn hình điện thoại mọi lúc mọi nơi. Và cũng bởi vậy mà nhiều chứng bệnh kỳ lạ "chỉ có trong xã hội hiện đại" cũng xuất hiện, như hội chứng ngón tay nhắn tin, cổ điện thoại...

Và mới đây, một nghiên cứu Mỹ còn chỉ ra một tác hại lớn hơn thế, có liên quan đến não bộ của chúng ta. Theo đó, smartphone có thể "bòn rút" toàn bộ năng lượng của não bộ, khiến bạn mất đi khả năng tư duy.

Một thế hệ chỉ chúi mũi vào điện thoại.
Một thế hệ chỉ chúi mũi vào điện thoại.

Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH Chicago đã làm thí nghiệm về giả thuyết "chảy máu chất xám vì điện thoại" (brain drain hypothesis), nhằm kiểm chứng việc sử dụng smartphone làm giới hạn khả năng tư duy của con người hay không.

Về cơ bản, não bộ chỉ có một nguồn năng lượng nhất định dành cho khả năng tập trung và xử lý nhận thức. Nhưng với sự có mặt của điện thoại, nguồn năng lượng ấy lại vô tình được sử dụng để giúp chúng... lờ nó đi.

Rốt cục thì sau đó, bạn chẳng thể làm thêm được việc gì khác nữa - tức là hiệu quả công việc sẽ giảm sút hoàn toàn.

Não bộ chỉ có một nguồn năng lượng nhất định dành cho khả năng tập trung và xử lý nhận thức.
Não bộ chỉ có một nguồn năng lượng nhất định dành cho khả năng tập trung và xử lý nhận thức.

Nhóm chuyên gia đã thử nghiệm trên 520 sinh viên, kiểm tra khả năng ghi nhớ cũng như trí tuệ của họ với các trường hợp: điện thoại nằm trong tầm mắt, điện thoại trong túi quần hoặc túi xách, hoặc ở hẳn một căn phòng khác.

Các sinh viên được yêu cầu làm một bài trắc nghiệm về toán học, logic, ghi nhớ... Nghiên cứu cho thấy, các sinh viên làm bài khi vẫn nhìn thấy điện thoại có kết quả thấp hơn khoảng 10% ở những câu hỏi liên quan đến trí nhớ và sự tập trung.

Nhóm này cũng phản ứng chậm hơn các sinh viên để điện thoại ở phòng khác. Điều này chứng tỏ dù muốn dù không, chiếc điện thoại cũng tự động "bòn rút" khả năng tập trung của chúng ta, khiến kết quả thực sự thấp hơn mong đợi.

Kể cả khi không dùng, sự hiện diện của điện thoại di động cũng khiến năng suất giảm hẳn đi.
Kể cả khi không dùng, sự hiện diện của điện thoại di động cũng khiến năng suất giảm hẳn đi.

Để giải thích, nhóm chuyên gia cho rằng không hẳn chiếc điện thoại làm phân tán sự tập trung của chúng ta.

Lý do phần nhiều là vì tâm lý con người đã luôn cố gắng để không bị phân tán tư tưởng. Quá trình ấy cũng lấy đi năng lượng từ não bộ, trong khi đáng ra nó phải được dùng để hoàn thành công việc.

"Bạn không chủ đích nghĩ về chiếc điện thoại đâu, nhưng não bộ tự động xử lý để giúp bạn không chú ý đến nó nữa, và vô tình khiến cho nguồn năng lượng dùng để tập trung bị cạn kiệt" - tiến sĩ Adrian Ward, chủ nhiệm nghiên cứu kết luận. "Đây chính là hiện tượng chảy máu chất xám vì công nghệ".

Vậy nên lần tới, trước khi bắt đầu bất kỳ công việc gì, hãy tìm cách để chiếc điện thoại khuất khỏi tầm mắt. Chỉ có như vậy mới giúp bạn đạt được hiệu quả tập trung cao nhất mà thôi.

Muốn tập trung 100%, hãy cho điện thoại đi khuất tầm mắt.
Muốn tập trung 100%, hãy cho điện thoại đi khuất tầm mắt.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội nghiên cứu tiêu dùng (Mỹ) .

Cập nhật: 30/06/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 42
  • 3.904